Mấy ngày giáp Tết, người người hối hả lên lịch cho các bữa tiệc tùng tất niên cuối năm và chuẩn bị dọn dẹp nhà cửa, sắm sửa Tết, bận rộn đến tận giao thừa. Những gia đình xa quê thì chuẩn bị cho một chuyến về quê được “thuận buồm, xuôi gió” quà cáp đủ đầy cho bố mẹ, anh chị em, họ hàng. Rồi lại tất bật lo các khoản chi tiêu cho Tết, nào là tiền quà Tết cho hai bên nhà gia đình, tiền mừng tuổi, mua sắm thực phẩm, hoa cây cảnh chưng Tết, quần áo mới… Gia đình rủng rỉnh tiền bạc thì đỡ lo, còn nhà có kinh tế eo hẹp lại phải “cân đo, đong đếm” chi tiêu sao cho vừa vặn. Tất cả những điều đó khiến nhiều người ao ước được “Ăn Tết nhẹ nhàng”.
Muốn cho Tết được nhẹ nhàng, cần buông bỏ những thứ nặng nề, lối mòn trong suy nghĩ. Những ngày Tết, bữa cơm bình thường trở thành mâm cỗ với nhiều món ăn, khiến cho việc chuẩn bị, dọn dẹp trước và sau khi ăn mất nhiều thời gian của gia đình, nhất là người phụ nữ. Họ gần như không được nghỉ ngơi vì phải lo những công việc này. Ở nhiều gia đình, những bữa ăn như vậy kéo dài liên tục trong các ngày Tết, đặc biệt là mỗi khi có khách khứa đến nhà chúc Tết. Điều này vẫn còn phổ biến ở các vùng thôn quê. Vì lẽ đó, chúng ta hãy đơn giản bữa cơm ngày Tết, bỏ qua việc mua sắm và tích trữ quá nhiều thực phẩm cho Tết.
Có người cho rằng, bữa cơm Tết đơn giản sẽ mất đi hương vị truyền thống và không đủ đầy sẽ thiếu tôn kính khi cúng gia tiên. Suy nghĩ lối mòn này đã không còn phù hợp với thời đại ngày nay, khi mà chúng ta đang hướng về truyền thống là những giá trị cốt lõi. Bởi vậy, hương vị Tết thể hiện qua một vài món ăn đặc trưng cổ truyền của dân tộc, chớ không ôm đồm tất cả.
Ở các nước đón Tết Nguyên đán, họ có 1-2 món ăn đặc trưng thường được làm trong dịp này. Chẳng hạn, một món ăn "linh hồn" của Tết cổ truyền Lào chính là món "lạp" (trong ngôn ngữ nước này có nghĩa là "lộc"). Lạp thường được làm bằng thịt gà hay thịt bò tươi sau đó đem trộn với gia vị. Còn ẩm thực trong ngày Tết của người Philippines là món bánh gạo ngọt (tikoy). Với người Trung Hoa, mâm cơm ngày Tết không thể thiếu món bánh sủi cảo… Đối với người Việt, cặp bánh chưng hay bánh tét, củ kiệu, hành muối luôn là những món ăn không thể thiếu trong mâm cơm ngày Tết. Chỉ bấy nhiêu đó thôi, cũng đủ để làm nên hương vị Tết cổ truyền, mà ai đi xa cũng sẽ nhớ về.
Những ngày Tết, hãy “cởi trói” cho phụ nữ bằng việc cả nhà cùng chung tay dọn dẹp, chuẩn bị bữa ăn Tết và hạn chế chè chén say sưa. Bên cạnh đó, bản thân phụ nữ cũng cần đấu tranh cho chính mình để ngày Tết nhẹ nhàng hơn, thoải mái hơn.
Tết sẽ càng nhẹ nhàng hơn khi việc lì xì về với đúng ý nghĩa của nó, chỉ là một vài tờ tiền mệnh giá nhỏ bỏ trong phong bì đỏ, mang đúng nghĩa cầu chúc sức khỏe, bình an cho trẻ con, người già. Mọi nhà bỏ bớt đi những tập tục cúng bái tốn kém, rườm rà, chỉ đơn giản là đi lễ chùa và cúng mâm cơm nho nhỏ lên bàn thờ tổ tiên tỏ lòng thành kính, mong cho một năm mới an lành, hạnh phúc. Người lớn tuổi bớt đi suy nghĩ buồn rầu khi thấy “Tết này con không về!”. Bởi giá vé tàu, xe cao ngất ngưởng dịp Tết là khoản chi tiêu không nhỏ mà nhiều gia đình phải dành dụm cả năm cho chuyến về quê ăn Tết.
Hãy để ngày Tết như một tâm tình, cuốn hút bởi hương vị, quẳng đi gánh nặng lo toan, thêm những điều tốt đẹp để khiến bản thân và gia đình đều vui vẻ, thoải mái.
NGUYỄN THI