Dọn tủ đồ cũ đón năm mới

Thứ Hai, 29/01/2024, 17:24 [GMT+7]
In bài này
.

Hồi còn nhỏ, những ngày cuối tháng Chạp, khi lũ học trò chúng tôi chính thức bước vào kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài 2 tuần lễ, bà nội lại tập hợp chúng tôi thành một "tiểu đội" để dọn dẹp nhà cửa.

Hồi đó, bà nội thường chỉ huy việc trước nhất là dọn tủ quần áo, kệ sách vở và kho lưu trữ đồ dùng sinh hoạt của gia đình. Bà nói, phải dọn dẹp để loại bỏ bớt những đồ đã cũ, dành không gian cho những thứ mới mẻ. Và những đồ đã cũ không còn được dùng tới ấy sẽ được bà nội tôi gom lại, đóng gói gọn gàng, khi có cơ hội sẽ đem cho những người cần dùng.

Nhiều năm trôi qua, chúng tôi đã trưởng thành, có gia đình riêng. Bà nội cũng đã đi xa... vậy nhưng thói quen của bà vẫn được chúng tôi duy trì khi Tết cận kề.

Gia đình nhỏ của chúng tôi còn có thói quen học được từ bà nội là sum họp ở thời khắc giao thừa. Trong bữa tiệc nhỏ, ấm cúng ấy, cả nhà sẽ cùng ôn lại những gì tốt đẹp nhất suốt 12 tháng qua của năm cũ và thảo luận cho kế hoạch của năm mới với những mục tiêu cụ thể của từng thành viên. Đặc biệt, những bài học từ biến cố, va vấp được lưu tâm và mọi người cùng bỏ qua những hiềm khích, lỗi lầm của nhau. Điều đó cũng tương tự như việc dọn dẹp để loại bỏ những món đồ cũ, dư thừa, dành không gian cho những thứ mới mẻ, tốt đẹp hơn.

Kinh nghiệm dọn dẹp tủ đồ cũ cũng được CEO của hãng xe nổi tiếng Nhật Bản - Nissan - ông Makota Uchida áp dụng từ lời khuyên của vợ mình. Phu nhân CEO Nissan khuyên ông cần dọn tủ quần áo. Và điều tương tự cũng xảy ra với hãng sản xuất ô tô 90 tuổi khi chuyển sang một kỷ nguyên mới. Đó là câu chuyện được CEO Nissan kể lại trong một cuộc trả lời phỏng vấn báo chí. Trong bối cảnh doanh số bán hàng sụt giảm, CEO Nissan, Makota Uchida, đang nghe theo lời khuyên từ vợ. Ông muốn tái tạo lại công ty để cạnh tranh trong kỷ nguyên hiện đại.

Thông thường, mọi người tổng kết năm đã qua bằng danh sách nhiệm vụ chưa hoàn thành, hoặc còn thiếu sót và lấy đó làm động lực cho tương lai. Bởi nhiều người cho rằng, tự “phê bình” bản thân sẽ tạo động lực phát triển. Vậy nhưng, nhiều nhà tâm lý học tin rằng cá nhân cần nhìn nhận mình thông qua những điều tốt đẹp đã hoàn thành. Đó là cách giúp mỗi người hiểu hơn về thế mạnh của bản thân, tự xây dựng kế hoạch phù hợp ở năm tiếp theo. Tất nhiên, kế hoạch của mỗi cá nhân cần phải sát thực tế để có tính khả thi cao chứ không hão huyền, viển vông, tự đánh lừa, hay ru ngủ bản thân. Kế hoạch đó sẽ như là "vốn" để mỗi người tự tin, vững vàng trong năm mới.

Đối với tập thể càng cần chuẩn bị kỹ những kế hoạch cho một năm mới từ rất sớm để có sự thành công trọn vẹn. Và trong kế hoạch đó cũng cần có sự kế thừa, rút bài học kinh nghiệm, sẵn sàng các phương án để chủ động với những tình huống có thể xảy ra trong năm mới.

Tết Nguyên đán Giáp Thìn đang cận kề và việc "dọn dẹp tủ đồ cũ" có lẽ rất nên được thực hiện ở mỗi cá nhân, gia đình, tập thể để đón một năm mới với nhiều điều tốt đẹp hơn. 

HẠ VY

 

;
.