Cung bậc Tết Việt

Thứ Sáu, 26/01/2024, 17:02 [GMT+7]
In bài này
.

Gần đến Tết, mọi nhà lại tất bật để chuẩn bị dọn dẹp, trang trí nhà cửa, mua sắm thực phẩm cho lễ cúng gia tiên. Dù rằng thời hiện đại mọi thứ đều sẵn có, nhưng để chuẩn bị Tết đủ đầy theo phong tục truyền thống, đối với phần lớn chị em phụ nữ vẫn là áp lực không nhỏ. Nhiều chị em gần đến Tết ngồi với nhau thở dài: “Ôi nó sắp đến rồi!”. Thế nhưng, họ lại háo hức rủ nhau đi chợ xuân, chọn mai, đào, chậu cúc… Rồi mua biết bao là nguyên liệu để chuẩn bị cho các món ăn cổ truyền ngày Tết.

Trong lúc đó, trên các diễn đàn mạng xã hội lại rôm rả, bàn tán chuyện Tết làm gì, đi du lịch hay ở nhà lo soạn mâm cỗ cúng gia Tiên cho tròn đạo hiếu. Người thì cho rằng Tết là dịp đoàn viên, để con cháu ở mọi miền đất nước hướng về sum họp gia đình. Người trẻ lại thích nghỉ ngơi, trải nghiệm du lịch ở nơi xa trong những ngày được nghỉ Tết. Có gia đình thì chọn cúng gia tiên, sum họp gia đình vào ngày 30 Tết, Mùng 1, Mùng 2 Tết, các ngày còn lại sẽ sắp xếp đi du lịch để “trọn vẹn đôi đường”.

Những người xa xứ, nỗi nhớ về quê hương trở nên đong đầy hơn bao giờ hết khi đến Tết cổ truyền. Em trai tôi có 10 năm sống và làm việc ở Canada, năm nào cũng tự tay gói bánh chưng và bày biện mâm cỗ cúng gia tiên. Nguyên liệu để làm bánh không dễ tìm và gói cũng chẳng được đẹp, ngon, nhưng nhiêu đó thôi cũng đủ để thỏa mãn nỗi khao khát của người con xa xứ nhớ về hương vị Tết cổ truyền. Cảm giác bồi hồi, cay cay khóe mắt khi thắp nén hương cúng gia tiên vào khoảnh khắc giao thừa.

Những nhà ngoại giao Việt Nam ở các nước cũng đang tích cực quảng bá Tết Việt ra cộng đồng quốc tế bằng việc tổ chức các gian hàng ẩm thực hương vị Tết, các buổi biểu diễn văn hóa Việt. Để chuẩn bị cho ngày Tết truyền thống, các khu chợ của cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng trở nên sôi động với việc trưng bày và bán đầy đủ các vật phẩm phục vụ cho ngày Tết. Họ cũng mời những người bạn nước ngoài đến nhà cùng thưởng thức các món ăn hương vị Tết cổ truyền Việt Nam. Qua đó, đã khơi dậy sự hứng thú, tò mò của những người bạn nước ngoài tìm đến Việt Nam để khám phá nhiều điều thú vị hơn về Tết Việt.

Tất cả những đều đó làm nên một Tết Việt sôi động, nhiều cung bậc cảm xúc, và rất riêng của người Việt, không lẫn với dân tộc nào. Người nước ngoài ngày càng biết nhiều hơn về Tết Việt. Họ không còn gọi Tết cổ truyền của nước ta là "Chinese New Year" (Tết Trung Hoa) mà thay vào đó là "Lunar New Year" in Việt Nam nghĩa là Tết Nguyên đán ở Việt Nam.

Mới đây, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận Tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hàng năm của Liên hợp quốc. Nghị quyết của Đại hội đồng nhấn mạnh Tết Nguyên đán là ngày lễ được kỷ niệm ở nhiều quốc gia thành viên, khuyến khích các cơ quan Liên hợp quốc không tổ chức họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Việc Đại hội đồng thông qua Nghị quyết nêu trên ngay trước thềm năm mới Giáp Thìn 2024 không chỉ có nghĩa quan trọng với các nước chính thức kỷ niệm Tết Nguyên đán mà còn là tin vui cho gần 2 tỷ người dân trên toàn thế giới coi năm mới âm lịch là dịp lễ quan trọng nhất trong năm. Đây là sự công nhận của cộng đồng quốc tế đối với văn hóa cổ truyền Á Đông, trong đó có Việt Nam.

NGUYỄN THI

 

;
.