Cam kết quốc tế bảo vệ môi trường biển

Thứ Sáu, 19/01/2024, 15:38 [GMT+7]
In bài này
.

Mới đây, Báo Sài Gòn Tiếp Thị thuộc Tạp chí Kinh tế Sài Gòn đã công bố danh sách 35 điểm đến, trải nghiệm du lịch ấn tượng nhất tham gia chương trình “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023”. Trong đó, Bà Rịa-Vũng Tàu có 2 điểm đến lọt vào “Top 7 Ấn tượng Việt Nam 2023”. Đó là, ruộng muối Long Điền và hoạt động thả rùa con về biển ở Côn Đảo. Kết quả khá bất ngờ cho thấy xu hướng lựa chọn điểm đến du lịch đang thiên về các trải nghiệm với môi trường sinh thái.

Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều lợi thế về thiên nhiên để phát triển loại hình du lịch nói trên, đặc biệt là những “món quà vô giá từ biển”. Song, chúng ta đang đối mặt với những mối nguy về biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường biển, tình trạng khai thác sinh vật biển trái phép chưa được kiểm soát tốt… đã và đang làm ảnh hưởng đến hệ sinh thái và phát triển xã hội bền vững. Một số địa phương trong cả nước đã phải hứng chịu hậu quả nặng nề từ những mối nguy này. Chẳng hạn, ở khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang, hàng loạt san hô chết, thậm chí một vài vị trí bị xóa trắng ở đảo Hòn Mun - vùng lõi khu bảo tồn vịnh Nha Trang. San hô vốn là môi trường sống của 1/4 loài sinh vật biển, san hô mất đi đồng nghĩa với việc môi trường sống của sinh vật nơi đây bị đe dọa nghiêm trọng.

Nhằm kiểm soát việc sử dụng hợp lý các nguồn tài nguyên biển, hạn chế tối đa tác động tiêu cực đối với đa dạng sinh học, thời gian qua, chính quyền, cơ quan chức năng của tỉnh đã xây dựng các giải pháp bảo vệ và sử dụng bền vững tài nguyên đa dạng sinh học. UBND tỉnh đã kêu gọi Nhân nhân thay đổi thói quen, hành động vì thiên nhiên, chung tay bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học bằng khẩu hiệu “Phải xem bảo vệ môi trường, bảo tồn đa đạng sinh học như bảo vệ chính bản thân chúng ta”.

Tuy nhiên, để những giải pháp bảo vệ môi trường biển có hiệu quả, chúng ta cần tham gia và có những cam kết, ràng buộc trách nhiệm về mặt pháp lý với các quốc gia trên thế giới. Kinh nghiệm ở các quốc gia, để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường biển do nguồn từ đất liền, các quốc gia và tổ chức quốc tế đã xây dựng và thông qua nhiều cam kết quốc tế bắt buộc và không bắt buộc về mặt pháp lý ở toàn cầu và ở cấp khu vực. Chẳng hạn, trong khu vực Nam Thái Bình Dương, Úc cùng các quốc gia trong khu vực đã thông qua Công ước bảo vệ tài nguyên và môi trường của khu vực Nam Thái Bình Dương (Công ước Noumea). Công ước này điều chỉnh phạm vi 200 hải lý của các quốc gia ký kết và vùng biển xung quanh. Các bên sẽ ký kết các thỏa thuận song phương hoặc đa phương, bao gồm các thỏa thuận khu vực hoặc tiểu vùng để bảo vệ, phát triển và quản lý môi trường biển và ven biển của khu vực Công ước.

Từ kinh nghiệm của các nước cũng cho thấy, chúng ta cần xây dựng cơ sở dữ liệu đầy đủ để đánh giá được hiện trạng ô nhiễm biển trong bối cảnh nguồn lực hạn chế; qua đó đề xuất cơ chế, chính sách trọng tâm và đưa ra lộ trình phù hợp với nguồn tài chính để giải quyết vấn đề. Bên cạnh đó, việc xây dựng và thông qua các hành động cụ thể ở cấp quốc gia để bảo vệ môi trường biển là rất cần thiết để có mục tiêu, nội dung cụ thể nhằm từng bước phòng ngừa, ngăn chặn, giảm bớt ô nhiễm biển.  

Hơn nữa, hiện nay việc thực thi các chính sách, pháp luật hiện hành của chúng ta còn rất yếu do không đảm bảo nguồn tài chính, nhân lực tương xứng và phù hợp để thực hiện. Do đó, phải đảm bảo nguồn lực ổn định để thực hiện hiệu quả các chính sách, pháp luật, các sáng kiến, các hành động cụ thể kiểm soát hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường biển… là vấn đề then chốt, để có định hướng phù hợp cho thời gian tới.

MINH THIÊN

;
.