Mới đây, xác 1 con rùa biển khá lớn đã dạt vào khu vực bờ biển Bãi Trước (TP. Vũng Tàu). Trên mai rùa bị vết nứt dài và sâu chạy dọc thân. Nguyên nhân cái chết của rùa được xác định là do rùa bị chân vịt của tàu biển chém vào.
Sau khi đăng tải thông tin trên báo chí, một số ý kiến đã phân tích, chỉ ra rằng lưu lượng tàu thuyền cao và nhiều nguyên nhân khác đã khiến các sinh vật biển lạc hướng đi vào đất liền, hay gặp tai nạn do va phải tàu thuyền. Ngoài ra, hoạt động khai thác dưới nước cũng đang gây ra ô nhiễm tiếng ồn, ảnh hưởng đến các giác quan của loài rùa.
Theo thống kê của các nhà khoa học, hằng năm trên thế giới có hàng triệu tàu thuyền hoạt động trên biển như các tàu du lịch, thương mại, đánh bắt thủy hải sản… đều có thể đâm và va chạm với sinh vật biển, đặc biệt là với rùa biển khi chúng thường hay nằm phơi nắng trên mặt nước và bị va vào tàu, thuyền khi chúng không kịp nhận ra hoặc không kịp tránh. Ở Australia, trung bình có 14% số rùa biển bị mắc cạn ở bờ biển Queensland bị tàu thuyền hoặc chân vịt va phải.
Ngoài nguyên nhân nói trên thì rùa biển còn thường gặp tai nạn vì rác thải nhựa. Các nhà khoa học Úc đã chỉ ra có khoảng một nửa rùa biển con đã chết vì dạ dày chứa đầy rác thải nhựa, cao gấp 4 lần so với rùa trưởng thành. Trên thế giới đã có hơn 1.000 con rùa biển chết mỗi năm vì vướng hoặc ăn phải rác thải nhựa. Hay các sự cố tràn dầu trên biển cũng gây ra cái chết cho loài rùa và những loài sinh vật khác.
Bên cạnh đó, nhiều loài rùa biển được phân loại vào nhóm “nguy cấp” hoặc “đặc biệt nguy cấp”. Nhưng chúng vẫn phải đối mặt với các mối đe dọa nghiêm trọng từ con người, như hoạt động săn bắt và trộm trứng.
Những dẫn chứng nói trên cho thấy, hoạt động hằng ngày của con người đã vô tình ảnh hưởng đến đời sống, gây ra cái chết cho loài rùa biển đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Nhiều cơ chế pháp lý, các hoạt động bảo tồn rùa biển nói riêng và các loại động vật hoang dã nói chung đã được triển khai mạnh mẽ trong thời gian qua. Dù vậy, để bảo vệ an toàn loài rùa biển và thiên nhiên hoang dã điều cần nhất là ý thức của mỗi chúng ta.
Ý thức ở đây là tình yêu dành cho thiên nhiên, là nhận thức được mức độ nguy hiểm, đe dọa đến môi trường sống của các loài sinh vật trong tự nhiên. Chứ đó không phải là trào lưu nhất thời. Trong những năm gần đây, nhiều trào lưu hướng đến môi trường, như “giảm thiểu rác thải nhựa”, “nói không với nhựa dùng 1 lần”, và “đổi vỏ chai nhựa lấy cây xanh”… thu hút được rất nhiều bạn trẻ tham gia hưởng ứng. Điều này không chỉ nhắc nhở về tác hại của rác thải nhựa lên nhiều khía cạnh đời sống, mà còn nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc bảo vệ môi trường tại Việt Nam. Thế nhưng, những hành động đó không kéo dài, chỉ được một thời gian rầm rộ. Sau những lễ hội, khu vui chơi vẫn ngập rác thải nhựa. Ở biển Bãi Trước (TP.Vũng Tàu) mỗi khi có đợt sóng lớn, thì nơi đây thường bị cuốn tới một lượng lớn rác thải, trong đó có không ít những rác thải nhựa là những hộp xốp, túi ni-lông, ly nhựa dùng 1 lần…
Điều quan trọng nữa là, cơ chế pháp lý quy định về việc đánh bắt và ra khơi của tàu biển cần phải có những ràng buộc để bảo vệ môi trường tự nhiên, tránh gây tổn hại đến các sinh vật biển. Ở các nước Châu Âu, ngư dân buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định về đánh bắt như số lượng được đánh bắt trong ngày, phải đăng ký ngày khởi hành, thời gian, địa điểm, kích cỡ lưới đánh bắt… Tất cả các quy định áp đặt cho ngư dân đều nhằm bảo vệ môi trường biển và bảo đảm không phá hủy chu trình sinh học tự nhiên, sinh vật biển không bị tận diệt. Hay ở Côn Đảo để bảo vệ rùa biển trước nguy cơ tuyệt chủng thì cứ từ 1/4 đến 31/10 hàng năm, các hoạt động đi lại trên bãi và vùng nước biển phía trước các bãi đẻ của rùa biển (từ bờ ra khơi 1.000m) sẽ bắt buộc phải tạm ngừng kể từ 15 giờ đến 8 giờ sáng hôm sau. Riêng vùng nước bãi Cát Lớn - Hòn Bảy Cạnh không cho phép các phương tiện đường thủy neo đậu, để lên Bảy Cạnh. Điều đó sẽ bảo vệ rùa, giảm thiểu việc rùa biển bị tai nạn bởi các tàu biển hoạt động trên biển.
MINH THIÊN