Để nông dân không còn băn khoăn nuôi con gì, trồng cây gì

Thứ Sáu, 15/09/2023, 19:39 [GMT+7]
In bài này
.

Tranh thủ mấy ngày trời mưa, chú Tư gieo tiếp lứa bắp sinh khối thứ hai trong năm dù nhiều người cản, kêu chú chuyển sang trồng mè. “Trồng mè cho dễ bán, ít ra người ta còn mua ép dầu mè. Chớ ông trồng bắp rồi lại như vụ trước, giá rẻ như cho, bán không ai mua”, dì Nghĩa hàng xóm góp ý.

Không phải tự nhiên mà những người hàng xóm khuyên chú Tư chuyển qua trồng mè. Vụ bắp vừa qua, giá rớt thê thảm, doanh nghiệp ký hợp đồng liên kết không thu mua khiến cho nhiều người trồng bắp “dở khóc dở cười”. Để không lặp lại tình trạng tương tự, vụ Mùa này bà con nông dân lại bàn nhau chuyển sang trồng đậu phộng và mè. Nhưng chú Tư lại thủng thẳng nói, cả làng ai cũng trồng đậu trồng mè, nên chú trồng bắp biết đâu lại “trúng mùa, được giá”.

Cái lý của chú Tư cũng có phần đúng. Tuy nhiên lại thể hiện rõ một tình trạng chung của nông dân trong nhiều năm qua. Đó là vẫn loay hoay bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì”. Trên mảnh đất hơn 1ha của chú Tư, nếu như từ năm 1995 đến năm 2000 trồng điều, đến năm 2001 chuyển sang trồng hồ tiêu. Được tầm khoảng chục năm, hồ tiêu được chặt trụi để chuyển sang trồng bắp, đậu. Trồng theo phong trào, chứ chưa có một định hướng cụ thể hoặc lâu dài, bền vững.

Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII, nhiệm kỳ 2023-2028 diễn ra ngày 15/9 đã cũng đã bàn sâu, đưa ra giải pháp để giải quyết những vấn đề lớn mà nông dân quan tâm hiện nay. Đó là thị trường tiêu thụ cho nông sản, nâng cao năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp tạo thêm thu nhập, nâng cao mức sống cho nông dân. Đó là đầu tư cho nông thôn, xây dựng nông thôn mới nhằm điều kiện, không gian sống tốt hơn cho nông dân… Trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc đẩy mạnh mối liên kết “bốn nhà” (nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và Nhà nước) một cách thiết thực, hiệu quả.

Đặc biệt, nhiệm vụ của Hội Nông dân các cấp còn là phải thể hiện rõ hơn vai trò thúc đẩy sự thay đổi của người nông dân thích ứng với điều kiện mới, tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn, tập hợp, đoàn kết nông dân, tổ chức nông dân liên kết, hợp tác trong sản xuất, gắn sản xuất, chế biến với thị trường; đẩy mạnh phát triển kinh tế hợp tác để củng cố kinh tế hộ; định hướng tiêu chuẩn sản xuất theo yêu cầu tiếp cận thị trường…

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng với các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới sẽ đặt ra nhiều thách thức cho sản xuất và thương mại nông sản, trong khi trình độ sản xuất, kỹ năng thị trường của nông dân còn thấp. Điều này đòi hỏi hỏi nông dân phải thay đổi tư duy sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp gắn với nhu cầu thị trường. Trong đó, phải làm thế nào để nông dân thoát khỏi tư duy mùa vụ, không còn mãi băn khoăn với câu hỏi “nuôi con gì, trồng cây gì”.

Nông dân là chủ thể của quá trình phát triển nông nghiệp, nông thôn. Do đó, ngoài vai trò hỗ trợ của các cấp Hội Nông dân, bản thân mỗi nông dân cũng phải tích cực học hỏi, trang bị kiến thức, kỹ năng thích ứng với yêu cầu bối cảnh mới – đó là người nông dân có trí thức, biết làm chủ, làm giàu trên mảnh ruộng của mình trong bất cứ hoàn cảnh nào.

LAM GIANG

 
;
.