Để chính sách BHXH thu hút người lao động

Thứ Tư, 20/09/2023, 19:03 [GMT+7]
In bài này
.

Những ngày này, dì tôi đi ra đi vào than vắn thở dài, giá như 3 năm trước không đi rút BHXH một lần thì giờ đỡ phần nào rồi. Bởi lẽ sau thời gian nghỉ việc, dì chuyển sang buôn bán trái cây. Nhưng do lớn tuổi, sức khỏe kém nên việc buôn bán không mấy thuận lợi.

Trước đây, dì là công nhân làm việc tại một xí nghiệp may xuất khẩu. Do công ty gặp khó khăn nên dì nghỉ chuyển việc. Đó cũng là lúc đang cần tiền để sửa lại căn phòng cho cô con gái bước vào cấp ba, cần không gian riêng để học tập, sinh hoạt. Dì đi rút BHXH một lần, dù chúng tôi hết sức can ngăn dì, số tiền sửa nhà có thể vay ngân hàng. Còn khoản BHXH cứ đóng tiếp, sau này còn lĩnh lương hưu khi không còn sức lao động.

Thống kê cho thấy, trong 13,4 triệu người già hiện nay có gần 10 triệu người không có lương hưu và trợ cấp, phải sống dựa vào con cháu, người thân hoặc tiếp tục lao động mưu sinh. Dì tôi là một trong những trường hợp như thế khi rút BHXH một lần, tự tiêu vào của tích lũy để dành khi về hưu.

Thông tin từ Bộ LĐTB&XH, giai đoạn 2016- 2022 đã có gần 5 triệu người lao động rút BHXH một lần, trong số này chỉ có 1,3 triệu người quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH. Nhóm rút BHXH một lần chủ yếu rơi vào các trường hợp đóng dưới 5 năm (chiếm khoảng 70%), dù số tiền nhận không lớn.

Đây cũng là những vấn đề được bàn thảo trong sáng 20/9 khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), nhằm hạn chế tình trạng rút BHXH một lần cũng như tạo ra chính sách an sinh bền vững cho người lao động.

Theo đó, Chính phủ đang đề xuất hai phương án, trong đó phương án một là giữ như quy định hiện hành tức vẫn cho phép rút BHXH một lần, nhưng những người tham gia BHXH từ sau khi luật có hiệu lực thì không được rút nữa. Phương án hai là vẫn cho rút nhưng chỉ được hưởng 50% số tiền người lao động đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đây là vấn đề hệ trọng, cần được nghiên cứu kỹ. Và dù tới đây chọn phương án nào thì mục tiêu cao nhất vẫn phải đảm bảo an sinh xã hội lâu dài cho người lao động, đặc biệt là phải để chính sách BHXH thực sự thu hút và giữ được người lao động gắn bó lâu dài mới là vấn đề quyết định…

Trên thực tế, người lao động khi chọn rút BHXH một lần cũng là do gặp khó khăn khi việc làm và nguồn thu nhập bị ảnh hưởng. Thực tiễn này đã đặt ra cho ban soạn thảo dự án Luật BHXH (sửa đổi) nhiều vấn đề, đặc biệt là chính sách để giữ chân người lao động ở lại lâu dài với lưới an sinh. Cùng với đó, cần hỗ trợ phát triển thị trường lao động nhằm duy trì việc làm cho người lao động. Đặc biệt, công tác tuyên truyền và phổ biến pháp luật cần tăng cường nhằm nâng cao nhận thức về ý nghĩa và tầm quan trọng của việc đóng góp tích lũy cho chế độ hưu trí khi về già, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân nói chung và người tham gia BHXH nói riêng.

NGÔ GIA

 
;
.