Đưa tay chỉ ruộng bắp gần 1ha đang dần khô héo, bà Nguyễn Thị Liễu (thôn Bình Sơn, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức) nói, mấy ngày nay gia đình bà như “ngồi trên đống lửa”. Lý do là bắp đã quá kỳ thu hoạch, nhưng doanh nghiệp liên kết chẳng thấy đâu. Hội Nông dân cũng trả lời chưa có giải pháp gì. Lo mất trắng ruộng bắp vì đã đầu tư hàng chục triệu đồng, bà Liễu đành gọi thương lái vào bán tháo. Tuy nhiên, do trồng theo “đơn đặt hàng” - gọi là bắp sinh khối, trồng lấy thân, lá, bắp non, làm thức ăn thô xanh cho gia súc, khi doanh nghiệp không thu mua kịp thời, cây bắp bị héo khô, trái bắp nhỏ, nên thương lái cũng từ chối thu mua.
Bà Liễu chỉ là một trong nhiều trường hợp nông dân tại xã Đá Bạc đang rơi vào tình trạng bắp quá lứa, nhưng không biết bán cho ai. Qua tìm hiểu được biết, vụ hè thu này, chính quyền địa phương, Hội Nông dân thông báo cho nông dân trên địa bàn xã có doanh nghiệp liên kết, hỗ trợ 50% chi phí giống, phân bón và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Do đó, ai cũng háo hức bỏ vốn ra gieo trồng. Thế nhưng, đến nay họ vẫn chưa nhận được hỗ trợ cũng như thu mua, trong khi cây bắp đang ngày càng khô héo. Doanh nghiệp thì vẫn “bặt vô âm tín”.
Không thể phủ nhận lợi ích liên kết nông dân với doanh nghiệp trong sản xuất nông nghiệp thời gian qua. Tuy nhiên, quá trình này đã bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế cần sớm được tháo gỡ. Câu chuyện trồng bắp sinh khối trên cho thấy, việc triển khai ngay từ đầu đã thiếu sự chặt chẽ về tính pháp lý. Đó là trong quá trình triển khai chưa ký hợp đồng với từng hộ dân, chỉ có hợp đồng được ký giữa Hội Nông dân với doanh nghiệp. Do đó, nông dân không nắm được rõ nội dung và khi sự việc đổ bể, họ không biết giải quyết như thế nào và ai sẽ là người chịu trách nhiệm? Trong khi đó, Hội Nông dân giải thích, do thủ tục pháp lý của phía doanh nghiệp về việc đưa nhà máy sản xuất chế biến đi vào hoạt động chưa hoàn thiện, nên chưa sản xuất (!?).
Sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị liên kết là hướng đi bền vững giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân và doanh nghiệp. Việc liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản vốn dĩ là yêu cầu bắt buộc, là hướng đi bền vững để thoát khỏi tình trạng sản xuất nông nghiệp mang tính manh mún, nhỏ lẻ. Tuy nhiên, quá trình này rất cần sự vào cuộc tích cực của cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm bảo đảm tính pháp lý đến tăng cường công tác quản lý. Tất cả các mô hình liên kết đều cần vai trò trọng tài của các cơ quan chức năng liên quan và chính quyền địa phương. Về phía doanh nghiệp cần phải chuyên nghiệp hơn, phải biết tôn trọng hợp đồng và chịu trách nhiệm với cam kết của mình.
Câu chuyện cây bắp sinh khối cho thấy, một lần nữa cơ quan quản lý Nhà nước cần thẩm định rõ năng lực của các doanh nghiệp trước khi triển khai liên kết chuỗi giá trị với nông dân. Đồng thời, để tránh tình trạng “bể kèo”, chính quyền cơ sở phải vào cuộc, làm trọng tài để quản lý mối liên kết này sao cho nghiêm túc, thực chất và chuyên nghiệp hơn.
LAM GIANG