Đừng biến 'thương cho roi cho vọt' thành bạo hành

Thứ Hai, 21/08/2023, 18:43 [GMT+7]
In bài này
.

Những năm gần đây, không riêng gì Bà Rịa-Vũng Tàu mà trên địa bàn cả nước liên tục xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ em. Điều đáng nói, thủ phạm bạo hành các em lại là người thân hoặc có mối quan hệ thân thiết với gia đình nạn nhân, thậm chí là cha mẹ ruột. Không chỉ bạo hành thân thể mà còn có những lời nói gây hại, làm tổn thương tinh thần, cản trở sự phát triển bình thường của trẻ, thậm chí tước đi mạng sống của trẻ.

Những cái chết thương tâm của trẻ vì bạo hành gia đình thời gian qua, dường như vẫn chưa đủ sức cảnh báo những người làm cha mẹ. Theo các nghiên cứu quy mô lớn trên thế giới đã chỉ ra, 2/5 số phụ huynh được hỏi thừa nhận đã đánh trẻ mạnh hơn dự định. Điều này cũng xuất phát từ suy nghĩ “thương cho roi cho vọt” của các bậc cha mẹ. Chính vì vậy, khi trong gia đình có xảy ra việc cha mẹ đánh trẻ thì hàng xóm hay những người xung quanh  không bận tâm nhiều. Họ thờ ơ, coi đó là “việc dạy trẻ”. Đó cũng là một trong những nguyên nhân khiến cho nhiều vụ bạo hành làm tổn thương nghiêm trọng đến trẻ, thậm chí cướp đi tính mạng trẻ vẫn liên tục xảy ra.

Bản chất của bạo lực lúc nào cũng leo thang. Nếu chúng ta thoả hiệp với nó, chúng ta sẽ bắt đầu nghĩ là bình thường và tăng dần mức độ bạo lực lên, mà ngay chính bản thân chúng ta không nhận ra.

Để giải quyết gốc rễ vấn nạn bạo hành trẻ em cần phải thay đổi từ tư duy và quan niệm coi con cái như tài sản của mình nên tùy ý “thương cho roi cho vọt”. Mỗi gia đình cần phải học cách giáo dục con cái phù hợp, để con cái phát triển toàn diện, tránh xa bạo lực.

Việc truyền thông cho cộng đồng là rất  cần thiết. Người dân cần phải được trang bị kiến thức để lên tiếng bảo vệ trẻ em, cần phải biết các đường dây nóng để tố cáo bạo hành. Mỗi nhà trường cần phải có phòng tâm lý và dạy các con gặp khó khăn phải chia sẻ.

Và điều quan trọng là cha mẹ cần được thẩm định năng lực nuôi dạy trẻ. Bởi không phải cha mẹ nào cũng đủ năng lực để nuôi dạy tốt 1 đứa trẻ. Luật pháp ở một số quốc gia đã tước quyền nuôi con của nhiều trường hợp phụ huynh vì đánh đập hay bỏ bê trẻ.

Thêm nữa, việc nuôi dưỡng trẻ không thể giao hết cho cha mẹ. Do đó, tạo dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, phòng ngừa có hiệu quả hành vi bạo hành trẻ là trách nhiệm của toàn xã hội và của mỗi gia đình. Vì vậy, chính quyền địa phương, sở, ban, ngành liên quan cần tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động của những mô hình chăm sóc, bảo vệ, trợ giúp trẻ em tại cộng đồng. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi bao che, chậm trễ, cố tình kéo dài hoặc không xử lý các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em.

Phối hợp thực hiện có hiệu quả, giám sát việc thực hiện hệ thống pháp luật bảo vệ trẻ em, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm và vai trò của các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, nhà trường, gia đình và các cá nhân trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ.

Tuyên truyền, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng tự bảo vệ cho các em. Đặc biệt, quảng bá số điện thoại khẩn 111-Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em hoặc đường dây nóng của tỉnh để người dân, trẻ em biết để liên hệ khi cần sự trợ giúp.

Ngoài biện pháp, giải pháp của cơ quan chức năng, công tác bảo vệ trẻ em khỏi các vụ bạo hành trước tiên đòi hỏi sự quan tâm và nỗ lực cao độ của chính gia đình, cộng đồng nơi các em sinh sống.

TRIỆU VỸ

 
;
.