Vẹn tròn đạo lý 'uống nước nhớ nguồn'

Thứ Ba, 18/07/2023, 19:38 [GMT+7]
In bài này
.

Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, hiện nay cả nước đã xác nhận được hơn 9,2 triệu người có công, trong đó có hơn 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 140 ngàn Mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 ngàn thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, hơn 320 ngàn người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học và con đẻ của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học.

Dù điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nhưng Đảng, Nhà nước ta luôn dành những chế độ, chính sách ưu đãi đặc biệt với người có công như: trợ cấp hàng tháng, trợ cấp một lần; hỗ trợ tiền xây, sửa nhà; miễn, giảm tiền sử dụng đất, tặng bảo hiểm y tế; miễn, giảm học phí cho con em người có công; chăm sóc người có công; tổ chức các hoạt động tri ân, lễ giỗ chung dành cho các Anh hùng liệt sĩ và đồng bào yêu nước; tổ chức các hoạt động về nguồn, về thăm chiến trường xưa; tổ chức gặp mặt cựu tù chính trị…

Phát huy truyền thống đạo lý “đền ơn đáp nghĩa”, bên cạnh chế độ, chính sách chung của Nhà nước, các ban ngành, đoàn thể, hệ thống chính trị, cộng đồng dân cư và doanh nghiệp còn tích cực huy động các nguồn lực để chăm lo cho người có công bằng nhiều hình thức cụ thể, thiết thực như: thăm, tặng quà, xây nhà tình nghĩa tặng người có công; nhận phụng dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng... Nhờ đó, mức sống của người có công được bảo đảm bằng hoặc cao hơn mức trung bình của cộng đồng dân cư nơi cư trú.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, các hoạt động chăm lo cho người có công, “đền ơn đáp nghĩa” cũng được đặc biệt quan tâm và duy trì thường xuyên, nhất là vào tháng 7, dịp kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ. Năm nay, các hoạt động tri ân người có công còn đặc biệt hơn khi Bộ VHTTDL chủ trì phối hợp với tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Điện Biên tổ chức chuỗi các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2023) tại huyện Côn Đảo.

Chương trình diễn ra từ 17 đến 20/7, có quy mô lớn, là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, điểm nhấn của cả nước trong dịp này. Chương trình gồm nhiều hoạt động như: Lễ truy niệm các Anh hùng liệt sĩ; viếng Nghĩa trang Hàng Dương; Lễ giỗ các chiến sĩ Cách mạng và đồng bào yêu nước hy sinh tại Côn Đảo; gặp mặt cựu tù chính trị Côn Đảo; thăm gia đình cựu tù chính trị tại huyện Côn Đảo; thắp nến tri ân; chương trình nghệ thuật đặc biệt chủ đề “Bản hùng ca bất diệt” được truyền hình trực tiếp và kết nối với điểm cầu tỉnh Điện Biên.

Những ngày tháng 7, huyện Côn Đảo đông vui, nhộn nhịp hẳn khi đón dòng người từ khắp nơi về tham dự các hoạt động kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ, viếng mộ các anh hùng, liệt sĩ và đồng bào yêu nước đã ngã xuống trong cuộc đấu tranh vì độc lập tự do của Tổ quốc; thăm di tích quốc gia đặc biệt nhà tù Côn Đảo. Trong dòng người tề tựu về chốn “địa ngục trần gian” năm xưa, có gần 80 cựu tù chính trị từng bị giam cầm ở nhà lao Côn Đảo. Họ đến từ mọi miền đất nước. Nhiều người tuổi đã cao, sức yếu. Nhiều người trong số họ đã từng ao ước như một tâm nguyện cuộc đời: được một lần trở lại Côn Đảo, được gặp gỡ đồng đội, đồng chí năm xưa, được chính tay thắp từng nén nhang lên mộ phần đồng đội, đồng chí đã mãi mãi nằm lại nơi mảnh đất linh thiêng này.  

Công tác chăm lo cho gia đình chính sách, người có công được tổ chức thường xuyên và chương trình kỷ niệm Ngày Thương binh - Liệt sĩ không chỉ thể hiện tấm lòng tri ân với những hy sinh, cống hiến của các thế hệ cha anh cho nền độc lập, tự do, hòa bình, thống nhất đất nước mà còn là dịp để giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc và tình yêu hòa bình, trân trọng giá trị của độc lập tự do cho thế hệ trẻ. Qua những hoạt động đó, thế hệ trẻ và những người được sống trong cảnh đất nước hòa bình, thống nhất càng nêu cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, nguyện sống có ích, sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ cha anh.

NGUYỄN ĐỨC
;
.