Chuyển đổi xanh

Thứ Tư, 12/07/2023, 18:34 [GMT+7]
In bài này
.

Con tàu Maran Gas Achilles, chở gần 70.000 tấn LNG từ cảng Bontang - Indonesia đến Kho cảng LNG Thị Vải trong sáng 10/7 vừa qua được xem là cột mốc quan trọng của PV GAS trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam.

Đây là chuyến tàu chở LNG nhập khẩu đầu tiên vào Việt Nam, đánh dấu bước tiến mới trong việc đảm bảo nguồn cung cấp khí sạch hơn cho ngành công nghiệp năng lượng của đất nước. Đồng thời, hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11/2021 với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050.

Đến thời điểm này, kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn, hiện đại nhất Việt Nam, với công suất 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1 và nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2. Công trình Kho cảng LNG Thị Vải được PV GAS xây dựng từ năm 2019, tiếp nhận được tàu LNG tải trọng lên đến 100.000 tấn, với bồn chứa LNG 180.000m3 và các thiết bị công nghệ tối tân và tiên tiến nhất.

Ông Nguyễn Văn Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh khi thị sát dự án Kho cảng LNG Thị Vải cũng nhấn mạnh, việc PV GAS hoàn thành và đưa vào vận hành các dự án nhằm hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế xanh và bền vững tại Bà Rịa-Vũng Tàu nói riêng, cả nước nói chung.

Dự án của PV GAS là một minh chứng rõ nét về kết quả thu hút đầu tư chọn lọc, công nghệ cao, hiện đại, thân thiện với môi trường và ít thâm dụng lao động của tỉnh trong thời gian qua. Trước đó, nhiều dự án đã hoặc sắp đi vào vận hành như Tổ hợp hóa dầu miền Nam, Nhà máy bia Heineken, Hyosung… với việc ứng dụng triệt để kinh tế tuần hoàn, đã góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh của Bà Rịa - Vũng Tàu trong quá trình phát triển.

Chuyển đổi xanh được hiểu là việc xây dựng nền kinh tế có mức phát thải thấp và sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, ngăn chặn tình trạng tình trạng suy giảm đa dạng sinh thái. Đối với DN, chuyển đổi xanh được hiểu là sản xuất, kinh doanh không gây ô nhiễm môi trường. Cắt giảm phát thải, chuyển đổi sang các giải pháp tiết kiệm năng lượng, sử dụng nguyên liệu thân thiện với môi trường hay làm mô hình kinh tế tuần hoàn là những giải pháp mà nhiều DN đang áp dụng để  phát triển bền vững. Điều này giúp giảm việc khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm ô nhiễm môi trường.

Đây cũng là tiêu chí để DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu khi Việt Nam đã hội nhập sâu rộng với hàng loạt hiệp định thương mại tự do được ký kết. Đặc biệt, trong những năm gần đây, châu Âu - đối tác thương mại lớn đã đưa ra nhiều quy định đòi hỏi DN cần nhanh chóng chuyển đổi sang sản xuất xanh, bền vững.

Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi xanh trong DN vẫn còn gặp không ít thách thức về tài chính, công nghệ, nhân lực, đòi hỏi phải có sự nỗ lực không chỉ từ DN mà rất cần vai trò hỗ trợ của nhà nước. Ngoài nguồn tín dụng xanh ưu đãi lãi suất, cần có chính sách kích cầu đầu tư để DN mạnh dạn thay đổi từ công nghệ đến sản phẩm trong quá trình chuyển đổi xanh này.

NGÔ GIA

;
.