.

Lại tái diễn câu chuyện rút BHXH một lần?

Cập nhật: 18:51, 27/07/2023 (GMT+7)

Rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đã tái lặp nhiều năm nay, nhưng ở thời điểm hiện nay câu chuyện này lại tiếp diễn và đang trở thành vấn đề đáng báo động.

Bản tin Thị trường lao động của Bộ LĐTBXH cho biết, quý II/2023, tổng số lao động làm hồ sơ rút BHXH một lần và hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn cả nước tăng 1,5 lần so với quý I. Cụ thể, quý II/2023 có hơn 357.500 lao động nộp hồ sơ đề nghị rút BHXH một lần và hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng hơn 152.200 người so với quý I. Lao động làm hồ sơ hưởng phần lớn không có bằng cấp, chứng chỉ, chiếm gần 69%; tiếp đến là nhóm có trình độ đại học 13%, cao đẳng 5,8%, trung cấp 5,4%, sơ cấp 6,8%.

Thời gian qua, do gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, nhiều doanh nghiệp, nhất là ở các địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất phải thực hiện cắt giảm việc làm, cho thôi việc… khiến người lao động rút BHXH một lần và hưởng trợ cấp thất nghiệp tăng cao. Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, có gần 4,85 triệu người lao động rời bỏ hệ thống an sinh giai đoạn 2016-2022. Trong số này, có 1,3 triệu người quay lại hệ thống, tiếp tục đi làm và đóng BHXH; 3,5 triệu lao động chưa quay trở lại hệ thống an sinh; 907.000 lao động từng rút 2 lượt và có hơn 61.000 lao động rút 3 lượt.

Chiếm tới 60% số người rút BHXH một lần là lao động khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long. Đây là 2 khu vực tập trung nhiều lao động phổ thông nhất, có thời gian gắn bó với doanh nghiệp ngắn, nhưng do muốn đổi nghề, tìm nơi có thu nhập cao hơn, nên nhảy việc là tình trạng khá phổ biến.

Có nhiều nguyên nhân khiến người lao động phải rút BHXH một lần. Nhưng chủ yếu là do sau một thời gian làm việc tại các công ty, xí nghiệp, người lao động không có tiền tích lũy do thu nhập thấp. Vì thế, khi bị cắt giảm việc làm, ốm đau phải nghỉ việc, hoặc cần tiền để giải quyết việc gấp của gia đình (sửa chữa nhà cửa, lo cho con vào đại học, trả nợ…) người lao động chỉ biết trông vào “nguồn” rút BHXH một lần.

Nhận BHXH một lần, người lao động có thể giải quyết được một số khó khăn trước mắt, nhưng về lâu dài phải chịu thiệt đơn, thiệt kép; nhất là việc đánh mất cơ hội hưởng lương hưu khi đến tuổi nghỉ chế độ. Nhiều trường hợp khi đã nhận BHXH một lần muốn nộp lại tiền để phục hồi số năm đã tham gia BHXH cho đủ điều kiện để hưởng lương hưu, nhưng không được chấp nhận, vì pháp luật về BHXH nước ta chưa có quy định về những trường hợp này.

Để có tuổi già an yên, không phụ thuộc vào con cháu thì cơ sở quan trọng nhất là có nguồn tài chính ổn định qua lương hưu hàng tháng, được cấp thẻ bảo hiểm y tế để chăm sóc sức khỏe trong suốt thời gian hưởng lương hưu. Muốn vậy, người lao động cần cân nhắc kỹ trước khi quyết định hưởng BHXH một lần, mà nên tích lũy và tham gia BHXH ngay từ khi có việc làm ở doanh nghiệp.

Trong bối cảnh sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều biến động do thiếu đơn hàng, mức độ tiêu thụ hàng hóa chậm, kinh tế thế giới vẫn còn suy giảm… Bộ LĐTBXH nhận định từ nay đến cuối năm 2023, một số ngành, nghề vẫn tiếp tục phải cắt giảm việc làm. Cụ thể, ngành dệt may, sản xuất trang phục cắt giảm 123.000 người, phi nông nghiệp và dịch vụ giảm 78.000 người, bán lẻ giảm 32.000 người.

Trước tình hình khó khăn đó, việc người lao động rút BHXH một lần được dự báo lại tiếp tục tái diễn và có chiều hướng gia tăng. Do đó, rất cần những chính sách hỗ trợ sản xuất, kinh doanh kịp thời của Nhà nước đối với các lĩnh vực phụ thuộc nhiều vào đơn hàng xuất khẩu.

Ngành LĐTBXH cần có những thay đổi căn cơ, lâu dài các chính sách an sinh cho người lao động, để họ được hưởng các chế độ BHXH khi tuổi cao, sức yếu. Trên cơ sở những việc làm cụ thể, thiết thực, như: Tạo lập nguồn quỹ để hỗ trợ, cho người lao động vay khi họ gặp khó khăn về tiền để không phải rút BHXH một lần, hoặc “cầm cố” sổ BHXH. Bên cạnh đó, cần sự vào cuộc khẩn trương của các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện kiến nghị của Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho người lao động dùng sổ BHXH thế chấp, vay tiêu dùng ngắn hạn khi thu nhập bấp bênh.

HOÀNG LÊ

.
.
.