Khát vọng 'chuyển đổi xanh'
Sau gần 10 ngày kể từ khi con tàu Maran Gas Achilles (Hy Lạp) hoàn thành bơm 70.000 tấn LNG vào kho và rời cảng PV GAS Vũng Tàu, thế nhưng mỗi lần nhắc đến sự kiện đón chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên nhập khẩu vào Việt Nam, những người lao động PV GAS vẫn trào dâng một cảm xúc đặc biệt.
Không tự hào sao được khi PV GAS là đơn vị đầu tiên đưa LNG về Việt Nam. Đánh dấu cột mốc quan trọng của đơn vị trong lộ trình chuyển đổi năng lượng xanh của Việt Nam, đồng hành cùng Chính phủ hiện thực hóa cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) tổ chức vào tháng 11/2021 với mục tiêu đưa phát thải ròng về 0 vào năm 2050. Và mới đây nhất là Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Quy hoạch Điện VIII) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trong đó nêu rõ mục tiêu đến năm 2030 có 22.400MW điện khí LNG, chiếm 14,9% tổng nguồn điện của cả nước với năng lực sản xuất 83 tỷ kWh.
Tổng Giám đốc PV GAS Phạm Văn Phong chia sẻ, việc sử dụng LNG làm nhiên liệu thay thế các loại khác đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ rất lâu, nhưng đây là lần đầu tiên tại Việt Nam. Và để có chuyến tàu LNG đầu tiên về Việt Nam, PV GAS đã phải trải qua một hành trình rất dài.
Nhớ lại suốt thời gian thực hiện dự án kho cảng Kho cảng LNG Thị Vải (khởi công từ tháng 10/2019 cho tới thời điểm hiện tại), có đến 1/2 thời gian dự án bị ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch COVID-19. Đại dịch diễn ra phức tạp, đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xây dựng và làm việc của nhiều công nhân. Tuy nhiên, dự án vẫn triển khai. Hàng ngàn người lao động PV GAS và nhà thầu phải làm việc trong điều kiện phong tỏa.
Không chỉ khó khăn về con người, công tác đi lại, vận chuyển thiết bị cho dự án cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Trong tình hình giãn cách xã hội, công tác mua sắm, nhập khẩu các thiết bị quan trọng từ nước ngoài bị đình trệ. Việc chuyển thiết bị từ các địa điểm trong nước đến khu vực triển khai dự án cũng bị kéo dài. Các cuộc họp, trao đổi công việc của dự án đều được triển khai qua điện thoại - họp trực tuyến.
Thế nhưng vượt qua tất cả những khó khăn, thách thức đó, với sự cố gắng và nỗ lực của tất cả người lao động tham gia triển khai, dự án đã được triển khai thực hiện đúng tiến độ đề ra. Tính đến thời điểm này, kho cảng LNG Thị Vải là tổ hợp LNG đầu tiên có quy mô lớn, hiện đại nhất Việt Nam, với công suất qua kho là 1 triệu tấn LNG/năm trong giai đoạn 1, và nâng cấp lên 3 triệu tấn LNG/năm vào giai đoạn 2. Và ước mơ của PV GAS về việc nhập khẩu LNG đã trở thành hiện thực, khi ngày 10/7 vừa qua Kho cảng LNG Thị Vải tiếp nhận thành công 70.000 tấn khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) cập cảng.
Theo tìm hiểu, tình hình thị trường khí LNG tại Việt Nam đang trên đà phát triển mạnh mẽ trong những năm gần đây. Để đảm bảo nguồn cung LNG ổn định, PV GAS đã làm việc và ký kết nhiều hợp đồng khung mua bán LNG theo chuyến với nhiều nhà cung cấp LNG lớn đến từ nhiều khu vực xuất khẩu khác nhau trên thế giới, trong đó có nhiều nhà cung cấp lớn đến từ Mỹ, khu vực châu Âu, Trung Đông, châu Á… Bên cạnh đó, trong chiến lược đầu tư giai đoạn tiếp theo, PV GAS dự kiến chi thêm 195.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng cho LNG.
Như vậy, khát vọng về chuyển đổi “năng lượng xanh” được PV GAS chuẩn bị lâu, từ cơ sở hạ tầng đến nguồn cung cấp LNG. Tuy nhiên, để phát triển ngành LNG bền vững và chắc chắn, bảo đảm đáp ứng đầy đủ và đúng đắn với kỳ vọng, mong muốn của Chính phủ theo Quy hoạch điện VIII bắt buộc phải có cơ chế, khung pháp lý chặt chẽ, cụ thể và hoàn thiện hơn. “PV GAS rất mong Chính phủ, bộ ban ngành có thẩm quyền tiếp tục hỗ trợ để hoàn thiện cơ chế chính sách, đưa ngành công nghiệp LNG hoạt động và phát triển!”, ông Phong đề nghị.
HÀ AN