Phấn đấu vì mục tiêu logistics đạt tỷ trọng 4,4% GRDP
Nhằm đưa các chỉ tiêu, kế hoạch thực hiện Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu lần thứ VII (nhiệm kỳ 2020-2025) vào cuộc sống, các cấp, các ngành trong tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy nhanh việc triển khai các chương trình hành động với tư duy mới, tầm nhìn mới, quyết liệt và hiệu quả hơn.
“Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025” vừa được UBND tỉnh phê duyệt (tại Quyết định 1452/QĐ của UBND tỉnh) đã cụ thể hóa mục tiêu thực hiện đối với logistics - lĩnh vực dịch vụ tiềm năng và thế mạnh của địa phương.
Theo đó, đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh vào GRDP đạt xấp xỉ 4,4%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics bình quân ở mức 8%; tổng sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển của tỉnh đạt bình quân 100 triệu tấn/năm. Đồng thời, phát triển hạ tầng giao thông vận tải và công nghệ thông tin; phấn đấu đến năm 2025, Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành đầu mối về dịch vụ logistics của khu vực Đông Nam Bộ.
Tiếp tục phát triển thị trường dịch vụ logistics lành mạnh, tạo cơ hội bình đẳng cho các DN thuộc mọi thành phần kinh tế, khuyến khích thu hút vốn đầu tư trong nước và nước ngoài phù hợp với pháp luật Việt Nam cũng như các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên; qua đó góp phần phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu đến năm 2025 trở thành “Đô thị cảng”.
Trong nhiều năm qua, để không ngừng nâng cao hiệu quả kết nối dịch vụ logistics giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các địa phương thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và các nước trong khu vực tam giác phát triển, Bà Rịa-Vũng Tàu đã tập trung có trọng điểm thu hút đầu tư vào việc phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh tại khu vực TX.Phú Mỹ và TP.Vũng Tàu.
Đến nay, toàn tỉnh có 22 dự án kho bãi logistics, với 152 DN đang hoạt động, 10 dự án đang triển khai xây dựng với tổng diện tích 42ha. Nhiều dự án logistics đi vào hoạt động đã thực hiện có hiệu quả các dịch vụ: Lưu kho bãi, xếp dỡ hàng, thu gom và phân phối hàng hóa phục vụ các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các địa phương trong khu vực Đông Nam Bộ.
Với 69 bến cảng được quy hoạch, đã đưa vào khai thác 48 dự án, hệ thống cảng tại Bà Rịa-Vũng Tàu (thuộc cụm cảng số 4) được đánh giá là cửa ngõ kết nối hàng hải quan trọng của Việt Nam ra thế giới. Với mớn nước sâu có thể tiếp cận tàu container trên 20.000 TEU, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải đủ khả năng đảm nhận 70-80% hàng hóa xuất khẩu của cả khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng sông Cửu Long.
Tiềm năng và lợi thế để Bà Rịa-Vũng Tàu phát triển dịch vụ logistics là rất lớn. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, ngành logistics của Việt Nam nói chung và của nhiều địa phương nói riêng, trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu, vẫn còn nhiều điểm yếu, như: Chi phí logistics còn cao, thiếu sự liên kết giữa các DN dịch vụ với nhau và với các DN sản xuất, kinh doanh, DN xuất nhập khẩu; quy mô và tiềm lực tài chính của các DN logistics Việt Nam còn yếu; nguồn nhân lực làm dịch vụ logistics chưa qua đào tạo bài bản và còn thiếu; hệ thống đường giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của dịch vụ logistics…
Vì mục tiêu đến năm 2025 tỷ trọng dịch vụ logistics của Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp vào GRDP đạt mức 4,4% với tốc độ tăng trưởng 8%/năm, đòi hỏi các ngành, các địa phương trong tỉnh cần tiếp cận logistics ở góc độ tổng thể với cách nhìn dài hạn gắn liền với các hoạt động trong chuỗi cung ứng dịch vụ vận tải, kho bãi, đóng gói, kiểm định, giao nhận hàng hóa… Bên cạnh đó, để phát huy tốt nhất tiềm năng, lợi thế, các địa phương, đơn vị cần quan tâm công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics đang thiếu hụt, trên cơ sở đẩy nhanh đào tạo ngắn hạn cho DN logistics vừa và nhỏ; có kế hoạch đào tạo dài hạn hoặc thu hút nguồn nhân lực chuyên sâu có trình độ quốc tế.
Ngoài việc giảm chi phí dịch vụ, các DN logistics trên địa bàn tỉnh cần chủ động ứng dụng công nghệ số trong quản lý, vận hành và nâng cao năng lực kết nối chuỗi cung ứng dịch vụ logistics. Các DN vừa và nhỏ cần tăng cường liên kết để tận dụng mọi nguồn lực và thế mạnh của từng đơn vị vào đầu tư phát triển dịch vụ logistics trọn gói nhằm cắt giảm chi phí, nâng cao chất lượng dịch vụ.
HOÀNG LÊ