Gìn giữ cho muôn đời sau
Những ngày này, Côn Đảo nhộn nhịp bởi dòng người từ khắp nơi đến với đảo ngọc trong chuyến về nguồn. “Hòn đảo ngọc” trên vùng biển phía Đông Nam của Tổ quốc đang ngày một hấp dẫn du khách không chỉ là địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn là một khu di tích lịch sử cách mạng lớn, nơi lưu giữ những giá trị truyền thống của Đảng và của dân tộc ta trong hơn một thế kỷ đấu tranh cho độc lập, tự do và hạnh phúc.
“Một hòn đảo anh hùng. Một di tích lịch sử vĩ đại. Côn Đảo là một trường học cách mạng lớn đối với thế hệ hôm nay và mai sau” như lời phát biểu của Tổng Bí thư Lê Duẩn trong dịp trở lại thăm Côn Đảo cách đây 47 năm - ngày 27/8/1976.
Lịch sử để lại Côn Đảo hệ thống nhà tù bao gồm 127 phòng giam, 42 xà lim và 504 phòng giam biệt lập - nơi được xem như chốn “địa ngục trần gian”. Bất chấp chế độ lao tù hà khắc của địch, các chiến sĩ cộng sản và những người yêu nước đã kiên cường đấu tranh, “Thà hy sinh chứ nhất định không chịu đầu hàng”, giữ vững khí tiết của người cộng sản, biến ngục tù Côn Đảo thành trường học Cách mạng. Cũng tại nơi đây, khoảng 20.000 người đã ngã xuống, mãi mãi yên nghỉ trong Nghĩa trang Hàng Dương và trên mảnh đất thiêng Côn Đảo.
Quá khứ đau thương nhưng rất đỗi hào hùng của Côn Đảo là huyền thoại về ý chí sắt đá, lòng kiên trung, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng Việt Nam. Những người chiến sĩ cộng sản đã vượt qua thử thách, đấu tranh, rèn luyện và không ít người trong số họ trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ như các đồng chí Lê Hồng Phong, Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Tôn Đức Thắng. Những cái tên Cầu tàu 914, Nhà tù Côn Đảo… còn mang giá trị tinh thần vô giá về lòng yêu nước, ý chí kiên trung của những người cộng sản đã không tiếc thân mình khi đặt lợi ích của Tổ quốc và dân tộc lên trên hết, trước hết.
Từ hòn đảo biệt lập, đau thương trong chiến tranh, sự sống đã hồi sinh và phát triển mạnh mẽ trên vùng đất này. Diện mạo Côn Đảo hôm nay khác nhiều so với ngày mới giải phóng. Tiếp bước cha anh, thế hệ hôm nay đã chung tay, tập trung mọi nguồn lực đầu tư xây dựng và phát triển Côn Đảo. Việc thông thương với đất liền giờ đã thuận tiện hơn rất nhiều. Theo nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng huyện Côn Đảo đến năm 2045 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 417 ngày 1/4/2022, xác định xây dựng Côn Đảo trở thành “Khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa lịch sử-tâm linh chất lượng cao, đặc sắc tầm cỡ khu vực và quốc tế”. Với mục tiêu này, các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương đã và đang chung tay triển khai các giải pháp đồng bộ, tập trung nguồn lực xây dựng Côn Đảo trở thành khu du lịch sinh thái biển đảo và văn hóa, lịch sử, tâm linh chất lượng cao tầm cỡ khu vực và quốc tế.
Và chắc chắn rằng, trong quá trình phát triển, việc ưu tiên nguồn lực để bảo tồn, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Côn Đảo cũng được quan tâm trước hết. Bởi đó không chỉ là “trường học Cách mạng” của thế hệ cha anh, mà còn là nơi giáo dục tinh thần yêu nước, ý chí kiên cường bất khuất cho các thế hệ hôm nay và mai sau, như một dòng chảy bất tận…
NGÔ GIA