.

Mỗi sản phẩm OCOP là một câu chuyện

Cập nhật: 19:15, 21/07/2023 (GMT+7)

Bạn từ Hà Nội vào chơi, quà mang ra Thủ đô không phải là đặc sản biển như cá chỉ vàng, mực khô mà là củ khoai mài và một số sản phẩm chế biến từ khoai mài (hay còn gọi là hoài sơn) của HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây. Đây cũng là những sản phẩm được gắn 4-5 sao OCOP - chương trình Mỗi xã một sản phẩm. “Mẹ mình rất thích ăn khoai mài. Tuổi thơ nghèo khó sống ở vùng núi, toàn ăn khoai mài trừ bữa. Mang cái này về làm quà, chắc chắn mẹ sẽ rất thích”, bạn giải thích.

Nhưng điều bạn thắc mắc, tại sao ở vùng biển mà lại có sản phẩm khoai mài - thứ đặc trưng ở vùng núi. Tôi buộc phải tìm hiểu và kể cho bạn nghe, trước đây người dân cũng phát hiện loại cây này trên núi và mang về nhân giống trồng thử. Điều kỳ lạ là cây phát triển tốt, phù hợp với thổ nhưỡng nên được nhân rộng trồng ở một số địa phương của Bà Rịa - Vũng Tàu. Đến nay, khoai mài không còn là cây trồng xen canh nhỏ lẻ ở vài hộ gia đình, mà trở thành mô hình sản xuất theo chuỗi liên kết trên diện tích hàng trăm ha. Thậm chí, một số sản phẩm chế biến từ củ khoai mài còn được xuất khẩu.

Kể câu chuyện trên để thấy rằng, hiện nay nhiều sản phẩm OCOP của Bà Rịa - Vũng Tàu đã nhận được sự quan tâm của du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng. Một số sản phẩm ngoài tính độc đáo, đặc trưng của địa phương còn khơi gợi ký ức, cảm xúc của mỗi người. Đồng thời, thấm đẫm giá trị văn hóa, thổ nhưỡng của nơi sản xuất ra sản phẩm đó. Như sản phẩm khoai mài, chắc hẳn không hiếm, nhưng chế biến thành sữa khoai mài, bột khoai mài, cà phê khoai mài… thì phải nhắc đến thương hiệu của HTX Nông nghiệp-Thương mại-Du lịch Bầu Mây. Điều này cũng chính là vấn đề then chốt để sản phẩm OCOP có lợi thế khi cạnh tranh trên thị trường, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa vùng miền.

Sau 4 năm triển khai chương trình OCOP, toàn tỉnh đã có 89 sản phẩm đặc trưng của các địa phương được gắn từ 3-5 sao đã được UBND tỉnh ra quyết định công nhận. Trong đó có nhiều sản phẩm đặc trưng, được người tiêu dùng ưa chuộng như hồ tiêu, nước cốt nhàu, mật ong, hạt điều, ca cao… Tuy nhiên, trên thực tế nhiều sản phẩm chưa “kể” được câu chuyện của mình.

Mới đây, Quyết định 148 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ sung một số tiêu chí nhằm nâng cao chất lượng giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP. Theo đó, câu chuyện sản phẩm chiếm 12/100 điểm, cao hơn 2 điểm so với bộ tiêu chí cũ. Bởi giá trị của sản phẩm OCOP chính là câu chuyện tạo nên sản phẩm, gắn với nét đẹp truyền thống, văn hóa mỗi vùng miền.

Câu chuyện sản phẩm cũng là thông điệp mà chủ thể OCOP muốn truyền tải đến cộng đồng, đến người mua nhằm thay đổi cảm xúc, hành vi của họ khi mua sắm sản phẩm. Mỗi sản phẩm OCOP vì thế còn mang vai trò đại sứ để truyền tải những câu chuyện văn hóa đặc trưng của vùng miền. Chính vì vậy, việc phát huy giá trị truyền thống văn hóa vào các sản phẩm OCOP là một hướng tiếp cận mới mà mỗi chủ thể cần quan tâm đầu tư thực hiện để tạo sức hấp dẫn, sự lan tỏa, thu hút người tiêu dùng trên thị trường, không chỉ trong nước mà còn vươn xa ra thế giới.

LAM GIANG

.
.
.