Tiếp nối truyền thống "Uống nước nhớ nguồn"
Phát huy đạo lý truyền thống tốt đẹp "Uống nước nhớ nguồn", "Ăn quả nhớ người trồng cây", nhân kỷ niệm 76 năm Ngày Thương binh – Liệt sĩ, trên khắp mọi miền đất nước, nhiều hoạt động tri ân, tưởng niệm đối với các anh hùng liệt sĩ được tổ chức trang trọng, nghĩa tình.
Việc làm này không chỉ thể hiện đạo lý nhân văn của dân tộc, mà còn phát huy giá trị tư tưởng nhân văn cao đẹp của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, gia đình liệt sĩ.
Sinh thời, Bác Hồ kính yêu luôn dành sự quan tâm đặc biệt với thương binh - liệt sĩ, những người hy sinh tính mạng hay một phần thân thể cho công cuộc đấu tranh giành độc lập, tự do của dân tộc. Trong Ngày Thương binh - Liệt sĩ tổ chức lần đầu tiên ở Việt Bắc (27/7/1947), tại cuộc mít tinh kỷ niệm có mặt 2.000 người tham dự, Ban Tổ chức đã đọc bức thư của Bác Hồ gửi Ban Thường trực của Ban Tổ chức ngày “Thương binh toàn quốc”, nói rõ ý nghĩa của ngày kỷ niệm và kêu gọi mọi người có hành động thiết thực giúp đỡ thương binh: “Thương binh là những người đã hy sinh gia đình, hy sinh xương máu để bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đồng bào, vì lợi ích của Tổ quốc, của đồng bào, mà các đồng chí chịu ốm đau, què quặt. Vì vậy Tổ quốc, đồng bào phải biết ơn phải giúp đỡ những người con anh dũng ấy".
76 năm qua, thực hiện lời dạy của Bác, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm, chăm lo, thực hiện tốt công tác Đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách mạng. Trong đó, hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công đang từng bước hoàn thiện. Đối tượng người có công ngày một mở rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao, gắn liền với sự đảm bảo công bằng và sự đồng thuận của xã hội. Đặc biệt, từ ngày 1/7 năm nay, mức trợ cấp ưu đãi người có công được điều chỉnh tăng từ hơn 1,6 triệu đồng/tháng lên thành trên 2 triệu đồng/tháng, tăng hơn 25%. Đây cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay.
Không chỉ vậy, thời gian qua, mọi nguồn lực to lớn đã được huy động nhằm thực hiện nhiều hoạt động có ý nghĩa như phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng", Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa", "Nghĩa tình đồng đội", quy tập hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang, xây dựng nhà tình nghĩa cho thương binh, gia đình liệt sĩ cùng với chương trình hỗ trợ vốn giải quyết việc làm, xóa đói giảm nghèo, miễn viện phí, học phí cho những gia đình chính sách đã được thực hiện. Đến nay, 99% hộ người có công với cách mạng cả nước có mức sống bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, 99% xã phường làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ.
Những việc làm kể trên trên cho thấy, thấy dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, người có công luôn ở vị trí đầu tiên trong thực hiện các chính sách an sinh của Đảng và nhà nước ta. Ở nhiều địa phương còn đề ra mục tiêu rõ ràng tạo mọi điều kiện tốt nhất để gia đình người có công phát triển kinh tế, ổn định đời sống vật chất tinh thần. Đặc biệt, như tại Bà Rịa – Vũng Tàu, tỉnh luôn bảo đảm tất cả các gia đình chính sách đều có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình so với người dân nơi cư trú. Điều này thể hiện ở chỗ, không chỉ thực hiện tốt các chế độ chính sách chung của Đảng và Nhà nước, Bà Rịa-Vũng Tàu còn triển khai nhiều chính sách ưu đãi với nỗ lực nâng cao chất lượng cuộc sống người có công, gia đình chính sách. Từ nguồn ngân sách địa phương, tỉnh thường xuyên tổ chức thăm, tặng quà cho gia đình chính sách, người có công, hỗ trợ tiền ăn thêm cho thương bệnh binh nặng, vận động nuôi dưỡng suốt đời Mẹ Việt Nam Anh hùng với số tiền từ 1-3 triệu đồng/tháng…
Và những hoạt động tri ân, chăm lo cho gia đình chính sách, người có công còn nhắc nhở thế hệ hôm nay và mai sau tiếp nối truyền thống tốt đẹp nghìn đời của dân tộc Việt Nam, đó là đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", biết ơn vô hạn đối với sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, bệnh binh, anh hùng liệt sĩ trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc.
NGÔ GIA