Đòn bẩy kích cầu tiêu dùng

Thứ Hai, 08/05/2023, 19:47 [GMT+7]
In bài này
.

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết 72/NQ-CP ngày 6/5/2023 về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng (VAT). Theo đó, Chính phủ nhất trí với đề xuất của Bộ Tài chính về giảm thuế giá trị gia tăng  từ 10% xuống 8% đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất 10%, sau đó trình Quốc hội thông qua. Thời gian áp dụng từ ngày 1/7 đến hết 31/12/2023.

Thông tin trên được đưa ra trong bối cảnh nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, tăng trưởng chậm; người tiêu dùng phải thắt chặt chi tiêu. Việc giảm thuế GTGT sẽ tác động đến toàn bộ giao dịch trên thị trường. Người tiêu dùng sẽ tiết kiệm được 2% chi tiêu bình quân, qua đó có cơ hội mua sắm nhiều hơn. Về phía DN, họ có điều kiện để không tăng giá thành sản phẩm và đặc biệt là tiết kiệm được nguồn vốn để đầu tư vào các hoạt động sản xuất kinh doanh khác.

Đại diện một DN nhỏ và vừa có trụ sở ở TP.Vũng Tàu cho hay, thuế giá trị gia tăng nếu được giảm, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp sẽ tiết kiệm được một khoản chi phí kha khá, từ đó có cơ hội để mở rộng thị trường, đưa ra mức giá hợp lý hơn đến người tiêu dùng.

Theo đánh giá của Bộ Tài chính, nếu chính sách giảm thuế này được áp dụng, dự kiến số giảm thu ngân sách nhà nước khoảng 5.800 tỷ đồng/tháng. Nếu áp dụng trong 6 tháng cuối năm thì tương đương khoảng 35 ngàn tỷ đồng. Tuy nhiên, đây là chính sách rất cần thiết, để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, phù hợp với điều kiện thực tế.

Năm 2023, ngoài các giải pháp đã và đang được triển khai thực hiện như: gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất; giảm tiền thuê đất; Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục thực hiện giảm thuế giá trị gia tăng để hỗ trợ DN và  người dân.

Và để khắc phục và bù đắp các tác động đến thu ngân sách nhà nước trong ngắn hạn cũng như đảm bảo sự chủ động trong điều hành dự toán ngân sách nhà nước, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và địa phương chú trọng chỉ đạo thực hiện và triển khai hiệu quả các Luật thuế; tiếp tục cải cách hiện đại hóa hệ thống thuế, đơn giản hóa thủ tục hành chính thuế; đồng thời quyết liệt công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, tập trung triển khai kịp thời, có hiệu quả các nhóm giải pháp quản lý thu, chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế.

Như vậy, sau hơn 4 tháng thuế giá trị gia tăng trở về mức cũ, nhiều người dân lẫn DN đều chờ đợi việc áp dụng giảm thuế giá trị gia tăng thêm 6 tháng nữa. Xét trên khía cạnh trực tiếp, việc giảm VAT sẽ làm giảm nguồn thu, nhưng xét một cách sâu xa hơn, nhiều chuyên gia tài chính cho rằng, đây là một biện pháp tích cực để nuôi dưỡng nguồn thu.

Ngân sách muốn thu được thuế phải phải hỗ trợ kịp thời cho người nộp thuế. Thực tế, trong 20 năm qua, cứ mỗi lần giảm thuế thì ngân sách thường tăng thu. Chỉ tính riêng năm 2022, giảm VAT 2% từ tháng 2 cho một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đã góp phần giúp ngành thuế thu đạt hơn 124% so với kế hoạch.

Có thể nói, việc tiếp tục áp dụng giảm VAT là động thái tích cực, rất được chờ đợi, cho thấy chính sách điều hành của Nhà nước linh hoạt và thích ứng với những diễn biến có phần bất lợi, trong đó có việc nguồn thu ngân sách khó khăn trong những tháng đầu năm 2023.

HÀ AN

;
.