Mở không gian phát triển mới

Thứ Tư, 03/05/2023, 18:39 [GMT+7]
In bài này
.

Sau 3 năm thi công, ngày 29/4 vừa qua, 2 tuyến cao tốc có ý nghĩa hết sức quan trọng, giải quyết ùn tắc giao thông là Mai Sơn - quốc lộ 45 và Phan Thiết - Dầu Giây đã chính thức thông xe, đưa vào sử dụng đúng vào dịp kỷ niệm 48 năm ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Dự án Mai Sơn - Quốc lộ 45 có tổng chiều dài 63,37km, đi qua tỉnh Ninh Bình - Thanh Hóa có tổng mức đầu tư hơn 12.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách Nhà nước. Trong khi đó, dự án cao tốc Phan Thiết - Dầu Giây dài 99km đi qua hai tỉnh Bình Thuận và Đồng Nai, có tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng. Sau khi đi vào khai thác, thời gian di chuyển từ Hà Nội về Thanh Hóa và từ TP. Hồ Chí Minh về Bình Thuận được rút ngắn xuống còn khoảng 2 giờ.

Thông tin từ Bộ GT-VT cũng cho thấy, ngày 19/5 tới đây sẽ có thêm 2 tuyến cao tốc mới được thông xe, gồm đoạn tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Nha Trang - Cam Lâm với tổng chiều dài 157km. Đến tháng 7/2023, dự án Nghi Sơn - Diễn Châu dự kiến hoàn thành, đoạn tuyến quốc lộ 45 - Nghi Sơn dự kiến hoàn thành tháng 8/2023; dự án cầu Mỹ Thuận 2 dự kiến hoàn thành tháng 12/2023. Như vậy, đến hết năm 2023, sẽ có 9/11 dự án thành phần của dự án đường bộ cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1 (2017-2020) được đưa vào khai thác.

Cùng với 11 dự án của giai đoạn 1 dài 654km, ngay đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ đã trình danh mục 12 dự án (thuộc giai đoạn 2) có tổng chiều dài 729km và được Quốc hội thông qua. Mục tiêu đến năm 2025, cả nước có 3.000km đường bộ cao tốc, trong đó, hành lang vận tải Bắc - Nam luôn đóng vai trò vô cùng quan trọng, là trục xương sống, hành lang kinh tế - vận tải huyết mạch của đất nước. Những tuyến đường bộ cao tốc đang tiếp tục được nối dài hơn. Đây cũng sẽ là điều kiện quan trọng để giảm chi phí logistics; đồng thời thúc đẩy kinh tế - xã hội của nhiều địa phương phát triển mạnh mẽ.

Với tinh thần “khó khăn đến đâu thì tháo gỡ đến đó” -  chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đã lan tỏa đến các bộ, ngành và địa phương. Ngay tại Bà Rịa - Vũng Tàu, tỉnh cũng đang tập trung chỉ đạo để cố gắng khởi công dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, cầu Phước An vào tháng 6 tới đây. Để kịp khởi công các dự án đặc biệt quan trọng này, thời gian qua, lãnh đạo tỉnh cũng như các địa phương như TX. Phú Mỹ, TP. Bà Rịa đã rất quyết liệt, nỗ lực trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Như vậy, khi dự án cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu được “ấn nút” khởi động, việc kết nối từ Bà Rịa – Vũng Tàu đến sân bay Long Thành rút ngắn xuống chỉ còn 45 phút. Cùng với đường Vành đai 3 – Vành đai 4 TP.Hồ Chí Minh; Bến Lức- Long Thành, Dầu Giây- Liên Khương, sân bay quốc tế Long Thành… sẽ tạo ra cơ hội mở rộng không gian phát triển, kết nối các cực tăng trưởng của vùng Đông Nam bộ.

Đầu tư hạ tầng giao thông được xác định là một trong các đột phá chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Kỳ vọng mỗi con đường mới sẽ mở ra không gian phát triển mới, khai thác hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, phát huy được tiềm năng của đất nước.

 NGÔ GIA

;
.