Khi đường đến gần hơn

Thứ Sáu, 07/04/2023, 19:33 [GMT+7]
In bài này
.

Tuyến cao tốc Phan Thiết-Dầu Giây dự kiến thông xe vào dịp 30/4, rút ngắn thời gian từ TP.Hồ Chí Minh đi Phan Thiết (Bình Thuận) từ 5-6 giờ ngồi xe trước đó xuống còn 2 giờ. Thông tin trên được nhiều cơ quan truyền thông đưa tin và chia sẻ trong các diễn đàn, hội nhóm về du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu.

Ngay lập tức, nhiều người kinh doanh du lịch cùng vào bình luận. Người khen các tỉnh phát triển nhanh quá, người làm du lịch sẽ hưởng lợi.Người bi quan lo ngại du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu đã khó nay càng khó hơn. Người chia sẻ câu chuyện đang quản lý 2 khách sạn, 1 ở Hàm Tiến - Phan Thiết, 1 tại Bãi Sau - Vũng Tàu. Đến đầu tháng 4, khách sạn ở Hàm Tiến đã kín khách giữ chỗ cho lễ 30/4, còn cơ sở ở Vũng Tàu mới lác đác khách hỏi giá. Người khác thì chỉ ra đây là thách thức không nhỏ cho du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, đồng thời “chỉ đạo” ngành du lịch cần làm gì đó đột phá càng nhanh càng tốt…

Đọc những dòng trạng thái này làm tôi nhớ thời điểm năm 2015 khi tuyến cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành thông xe, kéo giảm thời gian di chuyển từ TP.Hồ Chí Minh về các trung tâm du lịch của Bà Rịa-Vũng Tàu như Vũng Tàu, Đất Đỏ, Xuyên Mộc chỉ còn 2 giờ đồng hồ. Lúc đó, giới du lịch hân hoan vô cùng khi điểm nghẽn giao thông được tháo gỡ, mở ra cơ hội cho điểm đến Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cao tốc giúp rút ngắn thời gian di chuyển từ thị trường khách lớn nhất miền Nam là TP.Hồ Chí Minh đến Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu chỉ còn 2 giờ đồng hồ. Như vậy, giao thông thông suốt đã đưa 2 tỉnh phát triển du lịch biển nổi tiếng nằm kề nhau về mức cạnh tranh ngang bằng về quãng đường di chuyển.

Nhìn trên quy mô quốc gia, sự đầu tư lớn, đồng bộ từ nhà nước nhằm kết nối giao thông cả nước liền mạch, nhanh chóng, từ đó tạo cơ hội, động lực thúc đẩy kinh tế-xã hội phát triển. Thế nhưng, trong cơ luôn đi kèm nguy. Với du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu, nguy ở đây là thêm đối ngủ cạnh tranh. Trong ngắn hạn có thể lượng khách về địa phương sẽ sụt giảm. Thế nhưng, thay vì than vãn thì nên bắt tay, vắt óc tìm cách tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, cạnh tranh với tỉnh bạn, chứ đừng lo sợ mơ hồ. Nhà nước đã đầu tư hạ tầng, định hướng mở lối, nhiệm vụ tăng chất, kéo khách về phải do DN du lịch, dịch vụ thực hiện.

Lâu nay, một số khách sạn, resort ở phân khúc 4-5 sao rất chủ động tạo không gian giải trí thường xuyên vào dịp cuối tuần. Chẳng hạn, The Grand Hồ Tràm Strip với các giải thể thao, võ thuật quốc gia và quốc tế, bên cạnh không khí hội hè thâu đêm trong các bar, club. Hồ Mây Park tổ chức không gian âm nhạc cuối tuần Lost in Hồ Mây trên Núi Lớn. Các khách sạn, resort như: Vias Vũng Tàu, Pullman, Malibu, Imperial duy trì  nhạc accoustis, saxophone cuối tuần và các sự kiện theo mùa, xây dựng nhiều gói dịch vụ thiên về giải trí, thư giãn, tăng thêm trải nghiệm cho du khách.

Tuy nhiên, toàn tỉnh chỉ có 23 cơ sở lưu trú 4-5 sao, quá ít ỏi so với tổng số 1.482 cơ sở lưu trú đang hoạt động. Do đó, dù có cố gắng đến mấy thì những cánh én hiếm hoi trên cũng không thể làm nên mùa xuân. Đồng hành cùng ngành du lịch nhiều năm nay, tôi thấy rằng ý thức cộng đồng trách nhiệm của số đông DN, người kinh doanh du lịch cực kỳ kém.  Khi tỉnh tổ chức sự kiện để quảng bá, thu hút khách du lịch, trong điều kiện ngân sách thắt chặt chi, kinh phí tổ chức sự kiện phải xã hội hóa, việc vận động DN đóng góp, tài trợ có mấy ai mặn mà. Ngoài ít ỏi DN lớn chung sức, thì phần cơ sở lưu trú chiếm số lượng áp đảo đều thờ ơ, né tránh đóng góp và xem như chuyện của thiên hạ. Rồi khi khách đến ồ ạt, thì ghim phòng hét giá.

Với số đông này, trước khi than vãn, trước khi kêu gào “du lịch Bà Rịa-Vũng Tàu phải làm gì đó càng sớm càng tốt” thì nên tự vấn lại mình. Rằng mình đã đầu tư đủ tâm sức, trí tuệ, nguồn lực để thu hút khách đến với mình chưa? Tôi nhẩm tính chỉ cần 1/3 trên tổng số 1.482 cơ sở lưu trú chịu nghĩ, chịu để tâm vào chuẩn chỉnh từ cung cách phục vụ niềm nở đến tạo thêm dịch vụ, sản phẩm cho chính cơ sở mình, thì không việc gì phải lo sợ vắng khách.

TRẦN HIỀN

 

;
.