Chia sẻ để cùng phát triển

Chủ Nhật, 02/04/2023, 17:19 [GMT+7]
In bài này
.

Đầu năm 2022, do mua nhà còn thiếu tiền nên anh Hải, bạn tôi tìm đến một ngân hàng thương mại để vay 600 triệu đồng. Sau khi được tư vấn, anh quyết định chọn gói lãi suất ưu đãi 8,5%/năm trong năm đầu, sau đó là lãi suất thả nổi. Anh dự tính 1 năm sau sẽ bán thửa đất ở huyện để trả hết nợ cho ngân hàng.

Vừa mua nhà được vài tháng thì thị trường bất động sản đóng băng, anh không bán được đất để trả nợ như dự tính. Đầu năm 2023, khoản vay của anh đã hết thời gian ưu đãi và được điều chỉnh tăng lên 16%/năm, tương đương mỗi tháng anh phải trả thêm hơn 4 triệu đồng tiền lãi. Lãi suất quá cao khiến anh rất lo lắng vì ảnh hưởng tới khả năng chi trả của mình. Gia đình anh đã phải chi tiêu chắt bóp trong mấy tháng qua, cuộc sống chật vật.

Giữa tháng 3/2023, Ngân hàng Nhà nước giảm lãi suất điều hành, các ngân hàng cũng điều chỉnh giảm lãi suất huy động và lãi suất cho vay. Anh Hải hy vọng lãi suất khoản vay của mình sẽ giảm dần về mức hợp lý trong vài tháng tới.  

Hy vọng của anh Hải cũng là mong muốn của bao người dân, DN (sau đây xin gọi chung là khách hàng).

Từ khoảng quý 2 đến hết năm 2022, lãi suất ngân hàng liên tục tăng cao, khiến khách hàng rất khó tiếp cận nguồn vốn. Tình trạng này đã tác động mạnh mẽ đến đời sống người dân và hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN. Bởi lẽ, phần lớn DN tại nước ta có quy mô nhỏ và vừa. Trong đó, đa phần DN phải vay vốn để phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Theo tính toán của các DN, mức lãi suất trên 10%, thậm chí một số lĩnh vực lên tới 14-15%/năm như hiện nay khiến DN không dám vay vốn để đầu tư sản xuất vì biên lợi nhuận chỉ từ 10-20%. Nếu vay vốn, lợi nhuận thu được chỉ đủ trả lãi ngân hàng. Vì vậy, nhiều DN chấp nhận hoạt động cầm chừng bằng nguồn vốn tự có, chờ lãi suất giảm về dưới 10%.

Trước tình trạng tăng trưởng tín dụng đạt thấp trong những tháng đầu năm, nhiều ngân hàng đã tung ra các gói cho vay ưu đãi với lãi suất thấp cho kỳ ngắn hạn dưới 12 tháng. Dù vậy, các điều kiện ràng buộc kèm theo khiến khách hàng vẫn khó tiếp cận nguồn vốn. Thêm vào đó, DN bị giảm đơn hàng, nhất là hàng xuất khẩu nên hoạt động sản xuất tại nhiều DN bị đình trệ, thu hẹp, thậm chí phải cắt giảm lao động.

Tin vui với người dân và DN là từ ngày 3/4, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm 0,3-0,5%/năm các mức lãi suất điều hành. Theo Ngân hàng Nhà nước, động thái này là thông điệp tái khẳng định định hướng, xu hướng giảm lãi suất cho thị trường trong thời gian tới, qua đó định hướng tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho vay, đồng hành cùng DN và người dân, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ngoài ra, Ngân hàng Nhà nước cũng đang tính toán đến việc giãn/hoãn nợ cho DN.

Phát biểu tại tọa đàm "Khơi thông dòng vốn vào sản xuất kinh doanh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức ngày 30/3, nhiều DN mong muốn được hỗ trợ lãi suất ở mức 7-8%/năm. Đồng thời, DN cũng đưa ra một số kiến nghị với ngành ngân hàng như hỗ trợ giãn, hoãn, giữ nguyên nhóm nợ; cho vay với tài sản hình thành trong tương lai; hỗ trợ nhiều hơn nữa với các DN sản xuất công nghiệp phụ trợ; cho trả lãi, chậm trả gốc; linh hoạt trong định giá tài sản…

Mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng là quan hệ cộng sinh. Việc khách hàng khó tiếp cận vốn không chỉ ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận và sự phát triển của ngân hàng cũng như toàn nền kinh tế. Do vậy, cùng với chính sách giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cần tiết giảm chi phí, chấp nhận giảm lợi nhuận để chia sẻ khó khăn với khách hàng bằng việc nhanh chóng giảm lãi suất cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Nguồn vốn có lưu thông thì mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tiêu dùng, giúp nền kinh tế vượt qua giai đoạn khó khăn này, đồng thời ngân hàng mới có lợi nhuận.

ĐỨC NGUYÊN

;
.