Lo ngại về đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với "đồ uống có đường"

Thứ Sáu, 31/03/2023, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến về việc xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi), trong đó đề xuất có bổ sung sản phẩm đồ uống có đường với mục đích bảo vệ sức khỏe của người dân, giảm tình trạng thừa cân và béo phì. Điều đáng bàn là, hiện Bộ Tài chính cũng chưa nêu rõ " đồ uống có đường" là những sản phẩm nào. Nhiều ý kiến lo ngại, không chỉ các sản phẩm nước giải khát mà còn có thể bao gồm cả những sản phẩm nước ép từ hoa quả tự nhiên, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ và đặc biệt là các sản phẩm thiết yếu như sữa, các sản phẩm từ sữa…Và nếu bị đánh thuế sẽ làm gia tăng chi phí sản xuất, đẩy giá thành sản phẩm tăng lên, ảnh hưởng đến tiêu thụ sản phẩm của người dân.

Chị Hải, nhà ở hẻm 105 đường Lê Lợi-TP. Vũng Tàu có hai cô con gái đang học cấp tiểu học. Chị Hải chia sẻ, mỗi tháng tôi dành ra gần 2 triệu đồng để mua sữa cho con. Đây là mức chi gần như cố định thời gian qua của gia đình tôi trong điều kiện thu nhập của hai vợ chồng. Do đó, nếu giá sữa tăng buộc gia đình tôi phải giảm lượng sữa khi mua. Còn chị Nga- nhà ở  phường Long Toàn, TP. Bà Rịa thì cho hay, cháu bé nhà chị mới 5 tuổi, vì thế sữa uống hàng ngày  của con không thể cắt hay giảm được. Trong trường hợp Nhà nước tăng thuế, giá thành sản phẩm cao hơn, gia đình chị buộc phải phải thắt chặt chi tiêu mua bán sản phẩm khác.

Trên thực tế, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt với sản phẩm có đường không chỉ khiến cho người tiêu dùng băn khoăn mà bản thân các doanh nghiệp sản xuất trong ngành sữa khi nghe đề xuất trên của Bộ Tài chính  cũng  đứng ngồi không yên. Trước thực trạng này, mới đây, Hiệp hội sữa Việt Nam cũng có văn bản kiến nghị tới Bộ Tài chính. Theo Hiệp hội sữa, nếu áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt, giá các mặt sữa sẽ tăng dẫn đến hạn chế sự tiêu dùng của người dân.

Các doanh nghiệp ngành nước giải khát, đồ uống khác và  thực phẩm cũng bày tỏ sự lo ngại nếu bị đánh thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ gây khó cho kinh doanh cuả họ.

Theo các chuyên gia, thời điểm này chưa phải là phù hợp để mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Bởi, trong thời gian qua, ngành nước giải khát là một trong những ngành gặp nhiều khó khăn, chịu ảnh hưởng nặng nề do dịch COVID-19 gây ra. Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trong ngành sản xuất và kinh doanh đồ uống, đặc biệt là ngành nước giải khát giảm sút đáng kể trong năm 2020, với doanh thu toàn ngành giảm 8% so với năm 2019, trong đó riêng nước giải khát có mức sụt giảm doanh thu là 17%. Đến năm 2021, tác động của dịch COVID-19 tới doanh nghiệp trong ngành đồ uống vẫn rất tiêu cực và nghiêm trọng.

Theo dự báo, năm 2023, ngành đồ uống tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thách thức do hậu quả đại dịch COVID-19 cần phải khắc phục trong nhiều năm. Vì vậy, nếu áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với ngành đồ uống thì chắc chắn các doanh nghiệp trong ngành sẽ gặp nhiều khó khăn hơn. Đặc biệt, đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất sẽ là các doanh nghiệp vừa và nhỏ vốn đã khó nay càng khó hơn khi cùng lúc chịu nhiều áp lực, chi phí tăng cao trong khi khả năng tiêu thụ sản phẩm của người dân giảm xuống.

HÀ AN

 

;
.