Khai thác "vàng" từ nguồn lực dân số 100 triệu người

Thứ Ba, 04/04/2023, 19:31 [GMT+7]
In bài này
.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2022, dân số Việt Nam đã đạt 99,2 triệu người. Với tốc độ tăng dân số trung bình những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4/2023, Việt Nam sẽ chính thức trở thành 1 trong 15 quốc gia trên thế giới và 1 trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.

Dự kiến, sự kiện chào đón công dân thứ 100 triệu của nước ta sẽ được tổ chức long trọng tại Thủ đô Hà Nội, thông tin từ Vụ Thống kê Dân số và Lao động, Tổng cục Thống kê (Bộ KH-ĐT) cho biết. 

Đây sẽ là sự kiện nhằm đánh dấu mốc quan trọng, đáng tự hào, giúp nâng cao vị thế của nước ta trên trường quốc tế trong bối cảnh hiện nay khi thế giới coi nguồn nhân lực là công cụ quan trọng nhất để nâng cao năng lực cạnh tranh. 

Từ năm 2007, nước ta đã bước vào thời kỳ “dân số vàng”. Theo các chuyên gia, giai đoạn “dân số vàng” thường chỉ kéo dài 30 năm đến 35 năm, có nghĩa là chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội của giai đoạn này để khai thác nguồn lực lao động trẻ; từ đó tạo “của để dành” khi nước ta chuyển qua giai đoạn “hậu dân số vàng”. Hàn Quốc, Nhật Bản là những ví dụ điển hình khi phát huy được lợi thế “dân số vàng” để bứt phá ngoạn mục, tạo nên kỳ tích trong xây dựng, phát triển đất nước. Việc tận dụng tốt nguồn lực lao động trẻ đã tạo nền móng vững chắc cho những giai đoạn tiếp theo, khi đất nước phải đối đầu với giai đoạn “già hóa dân số”. 

Đối với nước ta, thách thức lớn nhất ở thời điểm này vẫn là bài toán “lao động - việc làm”. Bên cạnh hệ lụy của dân số tăng nhanh làm ảnh hưởng đến môi trường do sự khai thác quá mức nhằm đáp ứng nhu cầu; quá tải về y tế, giáo dục; các vấn đề về an ninh, trật tự xã hội... thì lao động - việc làm hiện đang là “nút thắt” của giai đoạn “dân số vàng”.

Thực tế cho thấy, mỗi năm Việt Nam có hơn 1 triệu người bước vào độ tuổi lao động, vậy nhưng lực lượng này vẫn chưa tạo nên sức bật cho nền kinh tế bởi đa số là lao động giản đơn, chưa qua đào tạo. Đáng chú ý, kết quả của một nghiên cứu cho thấy, năng suất làm việc của lao động Việt Nam chỉ bằng 11% so với Singapore, 23% so với Hàn Quốc, 24% so với Nhật Bản... 

Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, Đảng ta đã xác định phải tiếp tục thực hiện và đẩy mạnh hơn nữa việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta đạt 70%. Để thực hiện hóa và tận dụng lợi thế của “dân số vàng”, các cấp, các ngành cần đẩy mạnh hơn nữa, một cách đồng bộ trong giáo dục, đào tạo, dạy nghề gắn với cơ chế tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ nhân tài. 

Đặc biệt, muốn “đón lõng” nguồn lao động trẻ, cần chú trọng xây dựng chính sách trong đào tạo nghề ngay từ rất sớm cho học sinh các cấp. “Đi tắt, đón đầu” bằng các chương trình liên kết đào tạo, gắn đào tạo nghề với nhu cầu việc làm của DN, của thị trường lao động. Việc “trải thảm” đón lực lượng lao động xuất khẩu, thực tập sinh, nghiên cứu sinh từ nước ngoài sau khi hết thời hạn trở về nước cũng vô cùng quan trọng. 

Song song đó, theo ý kiến chuyên gia, cần chú trọng việc xây dựng chính sách nhằm nâng cao năng lực hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia, cơ cấu lại các chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng lấy DN làm trung tâm, lấy phục vụ hiệu quả sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc làm mục tiêu. Đồng thời, thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế để làm động lực cho tăng trưởng theo tinh thần bắt kịp, tiến cùng và vượt lên ở một số lĩnh vực, so với khu vực và thế giới.

Cột mốc 100 triệu dân trong tháng 4 này là một sự nhắc nhở rằng, chúng ta cần tận dụng tốt các cơ hội “vàng” để phát triển đất nước và cũng cần nhìn rõ những thách thức để sẵn sàng đón đợi bằng các giải pháp hiệu quả nhất.

Đừng để “cơ hội vàng” trôi qua, bởi thời gian của cơ cấu “dân số vàng” chỉ còn rất ngắn!

TIỂU CƯỜNG

 
;
.