Liên kết - Hội nhập - Phát triển

Thứ Năm, 06/04/2023, 19:50 [GMT+7]
In bài này
.

Ngày 7/4, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu tiến hành Đại hội III, nhiệm kỳ 2023-2028, tổng kết 5 năm hoạt động của nhiệm kỳ II, quyết định phương hướng, nhiệm vụ hoạt động và kiện toàn BCH Hiệp hội nhiệm kỳ mới. Mục tiêu hoạt động xuyên suốt của Hiệp hội nhiệm kỳ III được ghi trong báo cáo trình đại hội: Liên kết - Hội nhập - Phát triển.

Cộng đồng DNNVV có vai trò, vị trí hết sức quan trọng đối với nền kinh tế, là nơi tạo  công ăn việc làm, sinh kế cho người lao động. Các DNNVV cũng là nơi làm ra nhiều của cải vật chất, mở rộng giao thương, thực hiện an sinh xã hội, đóng góp nhiều ngân sách Nhà nước.

Đầu nhiệm kỳ II, toàn tỉnh có 18.500 DN đăng ký hoạt động. Do tác động của COVID-19 và một số nguyên nhân khác, trên thực tế chỉ có 11.900 DN hoạt động đủ các ngành nghề, sản xuất kinh doanh và dịch vụ. Các DNNVV tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đóng góp ngân sách địa phương năm sau cao hơn năm trước, năm 2020 là 7.4269,528 tỷ đồng; năm 2021 là 10.152,788 tỷ đồng, năm 2022 là 12.081,853 tỷ đồng. Nếu tính thu ngân sách trực tiếp sản xuất kinh doanh, DNNVV đóng góp là chủ yếu.

Với đại dịch COVID-19, nhiều hoạt động giao thương, kinh tế - xã hội bị ngừng trệ. Một số DN ngừng hoạt động, phá sản, một số khác hoạt động cầm chừng. Nhiều DN gặp vướng mắc trong sản xuất kinh doanh và quản trị điều hành; một số cơ chế chính sách của Nhà nước chậm  điều chỉnh, DN chịu nhiều vướng mắc, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, ảnh hưởng và rủi ro nghiêm trọng.

Đặt trong bối cảnh đó, để thấy Hiệp hội DNNVV đã có những đóng góp tích cực, kết nối và kịp thời đề xuất các giải pháp tới các cơ quan quản lý, tích cực góp phần tháo gỡ khó khăn cho DN. Những khó khăn vướng mắc được Chính phủ ra quyết sách  tháo gỡ tầm vĩ mô như việc xử lý gia hạn, thực hiện miễn giảm các loại thuế hợp lý. Theo đó, đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có hơn 1.600 trường hợp được gia hạn, miễn giảm thuế hàng ngàn tỷ đồng, theo đúng tinh thần các Nghị định của Chính phủ.

Đại hội III, nhiệm kỳ 2023-2028 của Hiệp hội DNNVV tiến hành đúng vào năm thứ 3 - năm có ý nghĩa bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội VII Đảng bộ tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Đây cũng là thời điểm cộng đồng DN cả nước đang đối mặt với không ít khó khăn; tiếp tục chịu tác động tiêu cực kéo dài của đại dịch COVID-19; tình hình chính trị thế giới ẩn chứa nhiều rủi ro; nguy cơ suy thoái kinh tế, lạm phát và sự bất ổn của hệ thống tài chính tiền tệ  thế giới tác động đến Việt Nam trong thời gian tới.

Quý I năm 2023, tốc độ tăng trưởng, chỉ số xuất khẩu, hoạt động du lịch sụt giảm và sự chậm lại của nền kinh tế tại không ít địa phương, trong đó có TP.Hồ Chí Minh - đầu tàu - nằm cận kề Bà Rịa-Vũng Tàu. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản bị đóng băng. Du khách quốc tế đến Việt Nam giảm nhiều, đòi hỏi sắp tới phải thay đổi chính sách visa theo hướng thông thoáng hơn.

Lãi suất cho vay giảm chậm, DN khó tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng thương mại. Một số sản phẩm dịch vụ thiết yếu như điện, xăng dầu, chi phí vận chuyển, y tế, giáo dục… tăng giá. Để ứng phó với khó khăn, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm áp lực, tháo gỡ khó khăn cho DN, trong đó có chính sách tiếp tục xem xét giãn, hoãn nợ cho DN; giảm lãi suất cho vay  nằm trong mức chịu đựng được của DN và nền kinh tế, để những DN quá khó khăn có thể trụ lại, hoặc phục hồi. Đầu tháng 4 này, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định quyết tâm trong điều hành vĩ mô: “Tập trung gỡ khó cho DN, đó là khẩu hiệu hành động vào lúc này”.

Năm 2023 và các năm tiếp theo, trên thế giới và tại Việt Nam, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tiếp tục bùng nổ và tăng tốc. Để không bị tụt hậu, càng đối mặt với thử thách, đất nước và cộng đồng DN càng phải nhanh chóng thực hiện chuyển đổi số, thúc đẩy phát triển nền kinh tế số. Nhiệm kỳ 2023-2028 chính  là thời kỳ Hiệp hội DNNVV bứt  tốc, quyết liệt hành động, với mục tiêu: Liên kết không ngưng nghỉ & Hội nhập sâu rộng - Phát triển mạnh mẽ.

Kết quả đạt được trong nhiệm kỳ II, từ 2017 đến 2023 của Hiệp hội DNNVV đáng ghi nhận, khích lệ. Tuy nhiên, những mặt tồn tại, yếu kém mà báo cáo tại Đại hội III nêu rõ cần sớm được khắc phục, trong đó có việc tổ chức các cuộc đối thoại theo định kỳ thực chất và kịp thời giữa chính quyền và các cơ quan quản lý với DN, tránh tình trạng các kiến nghị và vướng mắc từ DN kéo dài, chậm giải quyết, qua nhiều tầng nấc, hiệu quả thấp.

PHẠM QUỐC TOÀN

 

;
.