Câu chuyện “Giỏ sách Hoa Tím” của một nhóm sinh viên đã giành những ngày hè quý báu đi về miền núi, vùng sâu, vùng xa lan tỏa “Văn hóa đọc” từ vài ba năm trước, được nhiều người quan tâm. Đến nay “Giỏ sách Hoa Tím” vẫn sinh sôi, từ vài trăm cuốn tăng lên vài ngàn cuốn. Và mùa hè này “Giỏ sách Hoa Tím” vẫn tiếp tục hành quân lan tỏa yêu thương, với sự góp thêm sức của các mạnh thường quân, nhiều cô thầy, bạn bè, tổ chức Đoàn - Đội.
“Ngày sách và Văn hóa đọc” 21 tháng 4 thật nhiều ý nghĩa. Thử xem, nếu một ngày không đọc sách báo, không có thông tin thì xã hội sẽ mù đến cỡ nào và cuộc sống sẽ trôi về đâu? Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến lời dạy của Bác Hồ “Văn hóa soi đường quốc dân đi”, nhắc nhở ngành văn hóa, phát hành sách, các thư viện, nhà xuất bản, tổ chức đoàn, đội, nhà trường, cơ quan truyền thông, các bậc cha mẹ… dành sự quan tâm đặc biệt, chăm lo cho “Văn hóa đọc”, để nó thật sự trở thành “hồn cốt” tăng sức mạnh tri thức trong cuộc trường chinh hướng tới xây dựng đất nước Việt Nam văn minh, hiện đại, phát triển và cường thịnh!
“Văn hóa đọc” đem tới cuộc sống văn hóa của con người, hạnh phúc đến vô biên-cảm nhận của học giả, nhà văn, nhà báo Phan Quang khi bày tỏ chính kiến về “Ngày sách” trên báo Nhân Dân. Rằng con người muốn sống-sống khỏe mạnh đúng nghĩa của nó thì cần phải ăn, phải uống, phải hít thở, vận động thể thao để nạp năng lượng vật chất và phải đọc sách để nạp năng lượng tri thức, văn hóa-tinh thần.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc” không phải chỉ ở nơi đô hội thị thành mà cả nơi ấp xa, xóm vắng-khi mà nơi đó cái ăn cái mặc chưa thật đủ đầy. Các ngành giáo dục, thông tin-truyền thông, văn hóa; các thư viện, các địa phương, mỗi công dân có phương thức tổ chức “Văn hóa đọc” theo cách riêng của mình. Đường sách, cửa hàng sách lưu động-các nhà sách của tư nhân, tiệm cà phê sách… hoạt động hết công suất. Tổ chức “Ngày Sách và Văn hóa đọc” không chỉ một ngày mà nhiều ngày, đọc sách cần sự liên tục, thường xuyên. Chủ trương giảm giá bìa cho mỗi cuốn sách vào dịp này được bạn đọc hoan nghênh.
Ngành văn hóa cùng ngành giáo dục cho mở tủ sách học đường, chọn loại sách hấp dẫn, phù hợp để từ đó mà hướng dẫn cho học sinh tiếp cận với sách. Nhiều địa phương xuất hiện điểm “hội tụ sách”; vào các buổi chiều tối trong tuần hoặc thứ Bảy, Chủ nhật mọi người lại đến đó đọc sách, tìm hiểu kiến thức từ sách. Sách là bảo bối, cánh cửa tri thức, gợi mở con đường sáng tạo để từ đó mà ra gạo, ra tiền, khoang thuyền đầy tôm cá; vườn rẫy thêm cây trái, cuộc sống ấm no hạnh phúc trên nền tảng của tri thức và văn hóa.
Mạng xã hội bùng nổ, mạng TikTok-có không ít nội dung câu khách, nhảm nhí, độc hại-lấn át, phần nào tạo ra những thách thức không nhỏ cho “Văn hóa đọc”. Các cựu giáo chức Nguyễn Hưng Nam, Trần Trọng Thiện, Vũ Văn Tài, Trần Quang Vinh, Hồ Đình Khai, Nguyễn Đăng Hòa, Nguyễn Hồng Tuấn, Nguyễn Hồng Sanh, Trần Văn Tư v.v… (có người đã đi xa-về miền Mây trắng) là những tấm gương yêu sách, sưu tầm, lưu giữ “Tủ sách gia đình”, ở đó có những cuốn sách quý mà tới một số thư viện địa phương cũng khó kiếm? Nhu cầu đọc sách trong xã hội, bao gồm lớp trẻ vẫn rất cần, có nhu cầu thực sự.
Biết đọc sách, có kỹ năng chọn sách, biết gặt hái tri thức từ sách là việc không mấy dễ dàng, càng không thể xem nhẹ. Cần lắm sự hoạt động năng nổ, nhiệt thành, thực chất đội ngũ các nhà viết phê bình. Các cơ quan báo chí kịp thời định hướng, lan tỏa sách hay, phê phán sách dở, cổ vũ và khích lệ công chúng quan tâm “Văn hóa đọc”. Việc xuất bản các bản sách tóm tắt nội dung, giới thiệu, định hướng chọn lựa những loại sách cần đọc. Chất lượng các ấn phẩm, bao gồm những ấn phẩm dịch thuật cần sự quan tâm của công chúng yêu sách, của cả xã hội, của chính các nhà xuất bản, cơ quan quản lý.
Tản mạn về “Ngày Sách và Văn hóa đọc” có nhiều chuyện để luận bàn. Tháng Tư, hoan nghênh và chúc mừng “Ngày Sách và Văn hóa đọc”! Chúc mừng với niềm tin cùng nhau phấn đấu để Việt Nam thực sự trở thành quốc gia sách, quốc gia phát triển “Văn hóa đọc!”, theo đúng nghĩa của cụm từ này!
PHẠM QUỐC TOÀN