Hãy dừng ngoa ngôn!

Thứ Năm, 20/04/2023, 19:30 [GMT+7]
In bài này
.

Bộ Thông tin-Truyền thông cùng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang xây dựng quy trình hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo... với nghệ sĩ, KOL (người có sức ảnh hưởng) vi phạm pháp luật, trái thuần phong mỹ tục. Dự kiến quy trình này sẽ được hoàn thành vào tháng 10/2023.

Tiếp nhận thông tin này, dư luận bày tỏ sự đồng tình, ủng hộ và mong muốn quy định được ban hành càng sớm càng tốt, làm cơ sở để xử lý các nghệ sĩ có những hành vi vi phạm.

Mỗi nghệ sĩ, người nổi tiếng có hàng triệu người hâm mộ. Thái độ, hành động của họ dễ khiến người hâm mộ tin và làm theo. Từ đó, các nhãn hàng thường thuê nghệ sĩ để quảng cáo cho hàng hóa của mình. Hình ảnh hay thấy trong chương trình quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng, nền tảng mạng xã hội là nghệ sĩ sử dụng thuốc, thực phẩm chức năng, hàng hóa… của một nhãn hàng nào đó rồi khen tốt, có nhiều tác dụng tuyệt vời cho sức khỏe con người, kèm lời khuyên khách hàng nên mua về sử dụng. Trong đó, nhiều nội dung quảng cáo cố tình mập mờ, phóng đại về thành phần, công dụng của sản phẩm khiến người xem lầm tưởng đó là thần dược.

“Có bệnh thì vái tứ phương”, lại tin theo lời nghệ sĩ nên nhiều người đã không tiếc tiền mua sản phẩm về dùng với hy vọng sẽ trị được bệnh và khỏe mạnh, phong độ như lời quảng cáo. Thậm chí, khi bệnh tình không thuyên giảm, nhiều người vẫn không nghĩ rằng mình mua phải hàng dỏm, mà cho rằng mặt hàng đó không hợp với mình!

Thời gian qua, một số nghệ sĩ đã bị người hâm mộ tẩy chay, các đơn vị tổ chức sự kiện từ chối vì hành vi quảng cáo hàng hóa không đúng sự thật bị phanh phui. Thế nhưng, một số nghệ sĩ vì cái lợi trước mắt quá lớn mà quên đi đạo đức nghề nghiệp, vẫn sẵn sàng bắt tay với nhà sản xuất để quảng cáo lừa dối khách hàng.

Nghệ sĩ là người có tầm ảnh hưởng lớn, sức lan tỏa cao. Việc quảng cáo không đúng sự thật của họ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến công chúng và càng nguy hiểm hơn khi đó là những sản phẩm liên quan đến sức khỏe con người. Điều đó đòi hỏi nghệ sĩ phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trước công chúng, giữ gìn hình ảnh cá nhân và đạo đức nghề nghiệp của mình; từ chối những hợp đồng quảng cáo phóng đại, sai sự thật về chất lượng sản phẩm. 

Nhiều ý kiến cho rằng, với những nghệ sĩ vi phạm pháp luật, quảng cáo sai sự thật, bên cạnh chế tài “hạn chế phát sóng, biểu diễn, quảng cáo” như dự kiến, còn cần phải lên án, xử lý nặng tay hơn. Mức xử phạt bằng tiền là chưa đủ sức răn đe, mà cơ quan chức năng còn phải công khai danh tính nghệ sĩ cùng hành vi vi phạm. Với nghệ sĩ, uy tín trong lòng công chúng mới giá trị. Vì vậy, một vài trường hợp bị bêu gương xấu là tấm gương để nhắc nhở các nghệ sĩ khác phải biết giữ gìn uy tín, bởi khi đã mất uy tín, không còn chỗ đứng trong lòng người hâm mộ thì nghệ sĩ cũng khó đứng vững trên con đường nghệ thuật và dĩ nhiên sẽ mất cả những hợp đồng quảng cáo béo bở. 

Về phía mình, người hâm mộ (người tiêu dùng) cũng cần tỉnh táo, tìm hiểu kỹ về tính năng, công dụng của sản phẩm để bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của mình, không vì tin lời quảng cáo mà mua phải sản phẩm kém chất lượng, tránh lâm vào tình trạng tiền mất, tật mang! 

NGUYỄN ĐỨC

;
.