Nâng tầm sản phẩm OCOP từ du lịch

Chủ Nhật, 16/04/2023, 19:25 [GMT+7]
In bài này
.

Quà cho chuyến đi tham quan tỉnh Lai Châu của chị bạn mang tặng gia đình chúng tôi là gói thịt trâu gác bếp, măng nứa sấy khô và mật ong Sìn Hồ. Những sản vật của địa phương được chế biến, đóng gói với bao bì thiết kế khá bắt mắt, có mã vạch truy xuất nguồn gốc xuất xứ, vừa dân dã nhưng cũng không kém phần sang trọng.

Điều mà tôi khá bất ngờ, tất cả những sản phẩm này đều được dán nhãn OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm). Đem câu chuyện này hỏi chị bạn thì được biết, tất cả những sản phẩm trên đều được mua tại điểm tham quan và được hướng dẫn viên du lịch giới thiệu, tư vấn mua về làm quà. “Mình rất ngạc nhiên là hướng dẫn viên họ kể vanh vách sản phẩm này là đặc sản vùng nào, được chế biến ra sao, mùi vị đặc trưng thế nào, cứ như họ chính là người làm ra vậy. Cả đoàn ai cũng mua rất nhiều về làm quà, ai nhận cũng khen và còn gọi điện thoại ra đặt thêm”, chị bạn kể.

Câu chuyện gắn phát triển thị trường cho sản phẩm OCOP với du lịch ở Lai Châu cho thấy, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng có thể học hỏi cách làm này. Rõ ràng là Lai Châu đã thành công, từ cách xây dựng chất lượng, thương hiệu mà mỗi hướng dẫn viên còn là một “đại sứ” nâng tầm sản phẩm OCOP.

Phải khẳng định rằng Bà Rịa-Vũng Tàu có nhiều tiềm năng, dư địa để phát triển sản phẩm OCOP, nhất là gắn với hoạt động du lịch. 50 sản phẩm nông nghiệp của 20 chủ thể đã được UBND tỉnh công nhận sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên, do các chủ thể tự tìm tòi, nghiên cứu, chế biến sâu, tạo ra chất lượng thực, mang nét đặc trưng riêng cho từng địa phương. Bên cạnh đó, các sản phẩm OCP được cấp mã số, mã vạch và đăng ký bảo hộ nhãn hiệu. Trong đó có những sản phẩm được xem là sản vật địa phương như hạt điều, ca cao, hồ tiêu, các sản phẩm chế biến từ hải sản… thì việc kết nối với các địa điểm du lịch để giới thiệu, trưng bày là hoàn toàn có thể. Điều này còn giúp định vị thương hiệu những mặt hàng thế mạnh, tăng sức cạnh tranh cho sản phẩm OCOP của tỉnh. Đồng thời, bổ sung thêm sản phẩm du lịch độc đáo, ấn tượng khi du khách tới tham quan và trở về nhà với những món quà đặc trưng, chất lượng, mang “hương vị” riêng có của Bà Rịa-Vũng Tàu cho bạn bè, người thân.

Chắc chắn hoạt động du lịch là kênh quảng bá sản phẩm OCOP rất hiệu quả vì khi sản phẩm đạt chất lượng du khách sẽ giới thiệu đến người thân, bạn bè. Điểm du lịch ấy sẽ trở thành địa chỉ tin cậy giúp mọi người mua được sản phẩm đặc trưng mang tính vùng miền mà không phải qua khâu trung gian. Đó là chưa kể, mỗi sản phẩm OCOP còn được xem là “sứ giả văn hóa” của một địa phương cụ thể, thể hiện truyền thống, phong tục, tập quán sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, để gắn kết phát triển du lịch với các sản phẩm OCOP, góp phần định vị điểm đến, tạo nét khác biệt, thu hút du khách, rất cần có sự phối hợp đồng bộ từ cơ quan chức năng, địa phương, doanh nghiệp, khu du lịch cũng như chủ thể sản phẩm OCOP.

Với một địa phương mà du lịch được xem là một trong những trụ cột phát triển kinh tế, Bà Rịa-Vũng Tàu hoàn toàn có thể khai thác tốt hơn để nâng tầm sản phẩm OCOP của tỉnh.

LAM GIANG

 

;
.