Người bệnh đã bớt lo
Mẹ tôi bị suy thận mãn tính giai đoạn cuối, cộng thêm bệnh suy tim, tiểu đường, viêm xương khớp, phải điều trị nội trú ở một bệnh viện tại TP.Hồ Chí Minh hơn 10 năm nay. Không thể kể hết những khó khăn mà mẹ tôi phải trải qua trong thời gian trên cả về vật chất lẫn tinh thần. Tuy nhiên, nhờ có BHYT dành cho đối tượng chính sách, nên 100% chi phí điều trị gần như gia đình không phải lo nên đã giảm bớt phần nào gánh nặng chữa bệnh.
Nhưng 2 năm trở lại đây, khó khăn vướng mắc bởi sự bất cập của quy định trong đấu thầu, mua sắm… đã khiến cho bệnh viện thiếu thiết bị, vật tư y tế, thuốc men. Chi phí điều trị của bà theo đó cũng tăng lên từ 2-3 triệu đồng mỗi tháng khi phải tự bỏ tiền ra mua vật tư, thiết bị, một số thuốc đặc trị mà trước đây, bệnh viện luôn sẵn có và được thanh toán BHYT. Có những lần, cầm đơn thuốc bệnh viện về, chị em chúng tôi đã phải chạy đôn chạy đáo khắp các nhà thuốc để tìm mua. Thậm chí, nếu như trước đây lịch hẹn thường xuyên là 1 tháng lên tái khám, xét nghiệm 1 lần thì nay 2 tháng mẹ tôi mới được trở lại bệnh viện. Chi phí thuê xe chở thiết bị, thuốc cho bệnh nhân lọc màng bụng, tiểu đường, suy tim cũng tăng lên gấp đôi.
Thông tin khiến những người bệnh như mẹ tôi thở phào mấy ngày qua là nhiều thay đổi tích cực sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của ngành y tế khi Nghị định 07 và Nghị quyết số 30 của Chính phủ được ban hành, với hàng loạt giải pháp cụ thể nhằm khẩn cấp tháo gỡ khó khăn trong đấu thầu, đảm bảo đủ thuốc và trang thiết bị y tế, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cấp bách của người dân. Đây cũng là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đối với Bộ Y tế và các bộ ngành liên quan với quan điểm “cứu người như cứu hỏa”, phải đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết, khắc phục bằng được tình trạng thiếu thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế phục vụ khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Theo đó, Nghị quyết 30 đã cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp. Nghị quyết cũng cho phép các cơ sở y tế được sử dụng các trang thiết bị y tế đã được cá nhân, tổ chức trong nước, nước ngoài hiến, biếu, tặng cho, đóng góp, viện trợ, tài trợ (bao gồm các trang thiết bị y tế liên doanh, liên kết đã hết thời hạn hợp đồng) nhưng chưa hoàn thành thủ tục xác lập sở hữu toàn dân. Các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng trang thiết bị y tế này sẽ được quỹ BHYT thanh toán. Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chịu trách nhiệm về chất lượng dịch vụ y tế cung cấp từ các trang thiết bị y tế này và được sử dụng kinh phí của cơ sở để bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa trang thiết bị y tế trong quá trình sử dụng. Cùng với đó, sẽ không bắt buộc phải có 3 báo giá đối với gói thầu…
Có thể nói, Nghị định 07 và Nghị quyết 30 đã giải quyết được vấn đề cấp bách trước mắt, gỡ các “điểm nghẽn” cho bệnh viện trong công tác điều trị, giúp người bệnh như mẹ tôi yên tâm chữa bệnh. Tuy nhiên, về lâu dài, vẫn còn nhiều rào cản sớm được khơi thông, trong đó cần có quy định, chính sách bền vững, sát thực tế với mục tiêu cao nhất là nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.
NGÔ GIA