.

Trao quyền cho phụ nữ một cách toàn diện

Cập nhật: 19:40, 07/03/2023 (GMT+7)

Một gia đình 5 người, sống căn trong phòng trọ chỉ vỏn vẹn 12m2, cách khá xa trung tâm thành phố biển Vũng Tàu, ngoài bố mẹ, nhà có 2 cô chị gái và 1 cậu em trai nhỏ. Do gia cảnh ở quê nhà quá khó khăn, không có đất sản xuất, cả gia đình phải bôn ba khắp nơi kiếm sống bằng nghề bán vé số dạo và ai thuê gì làm nấy. Những ngày bình thường, trừ cậu con trai út vừa lên 8 tuổi được đến trường, 4 người còn lại dậy từ sáng sớm, cơm nước đầy đủ rồi lên đường bán vé số. Vào vụ mùa thủy sản, cũng trừ cậu con trai út, từ 12 giờ đêm, 4 người còn lại lọ mọ đến cảng cá để xẻ cá thuê. Khi tinh mơ gõ cửa, cậu con trai nhỏ tự cắp sách đi bộ đến trường.

2 cô con gái nhỏ, đứa lên 10, đứa 13 tuổi đã bươn chải để phụ giúp ba mẹ kiếm tiền. Mẹ của các bé kể, trước đây, 2 cô chị cũng được đi học, nhưng chỉ hết lớp 3 đành phải nghỉ vì gia cảnh quá khó khăn, cả nhà chuyển từ miền Tây đến Vũng Tàu kiếm sống. Vả lại, theo chị, con gái thì chỉ cần "học ít thôi, biết chữ là đủ rồi, vì học xong cũng chỉ để lấy chồng, sinh con đẻ cái..." và các gia đình trong khu xóm trọ của chị cũng đa phần là vậy. Con gái cùng lắm hết lớp 9 thì nghỉ, dù nhiều bé rất sáng dạ và ham học... Thậm chí, khi có lớp học tình thương được mở ở gần khu vực xóm trọ, nhiều gia đình đã từ chối cho các bé tới lớp cũng chỉ vì lý do "con gái chỉ cần biết chữ là đủ". 

Trên đây chỉ là 1 câu chuyện nhỏ cho thấy rõ sự phân biệt đối xử về giới trong gia đình, khi các bé gái bị chính bố mẹ của mình "coi nhẹ". Ở câu chuyện trên, cậu con trai út được ưu tiên đến trường không chỉ vì cậu nhỏ tuổi nhất, mà bởi cậu là con trai. 

Trong gia đình, các bé gái thường phải làm việc nhà ngay từ rất nhỏ, trong khi các bé trai được nhiều quyền ưu tiên hơn, bởi bếp núc, dọn dẹp nhà cửa được mặc nhiên là việc của đàn bà, con gái. 

Tất nhiên rằng, không thể phủ nhận những yếu tố mang tính truyền thống, hoặc có những công việc phù hợp với thiên chức của nữ giới. Nhưng không phải vì thế mà "lạm quyền", thiếu sự chia sẻ dẫn đến phân biệt giới, tạo rào cản cho phụ nữ trong phát triển toàn diện ngay từ ở gia đình, lúc còn bé thơ. 

Theo đánh giá, kể từ sau Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh được thông qua tại Hội nghị thế giới về phụ nữ lần thứ 4 tại Bắc Kinh (Trung Quốc) năm 1995, một bước ngoặt lớn trong việc thúc đẩy quyền bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ trên phạm vi toàn cầu, thế giới đã có những bước tiến lớn trong việc thực hiện bình đẳng giới; song vẫn còn những mục tiêu chưa đạt được, như tình trạng bạo lực, phân biệt đối xử và bị tước quyền lợi dưới mọi hình thức đối với phụ nữ và trẻ em gái. Một mục tiêu khác vẫn chưa thể giải quyết, đó là sự bất bình đẳng trong cơ hội việc làm, tiền lương, chia sẻ trách nhiệm cũng như nắm giữ các vị trí trong xã hội.

Tổ chức lao động quốc tế (Liên hiệp quốc) - ILO từng có nghiên cứu và đưa ra những số liệu về giờ làm việc được trả lương và không được trả lương cũng như quyền tiếp cận lương hưu và bảo vệ thai sản tại 100 quốc gia. Theo đó, trong một ngày, phụ nữ tiếp tục phải làm nhiều thời gian hơn nam giới xét cả về công việc được trả lương lẫn không được trả lương. Tính trung bình tại cả quốc gia thu nhập thấp lẫn thu nhập cao, phụ nữ mỗi ngày phải làm nhiều hơn nam giới ít nhất là 2 tiếng rưỡi công việc nhà hoặc việc chăm sóc người thân (không được trả lương). Ngoài ra, tại hơn 100 quốc gia được khảo sát, có hơn 1/3 số nam giới đi làm (35,5%) và gần 1/3 số phụ nữ đi làm (25,7%) làm việc hơn 48 giờ/tuần. Điều này cũng dẫn đến việc phân chia công việc nhà và việc chăm sóc người thân (không được trả lương) không đồng đều giữa nam giới và nữ giới.

Những bất lợi chồng chất mà nữ giới đương đầu khi làm việc không được trả lương (việc nhà, chăm sóc người thân hay dễ hiểu hơn là nội trợ) còn dẫn đến hệ lụy: không có lương hưu khi về già. Từ đó dẫn đến sự lệ thuộc, giảm quyền bình đẳng trong gia đình và xã hội ở phụ nữ.

Và để xóa bỏ những rào cản, thu hẹp khoảng cách giới, cần có những hành động mạnh mẽ ở các cấp, các ngành và ngay chính trong mỗi gia đình, kể cả bản thân các chị em gái. 

Mỗi người cần chủ động nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ; cùng ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ mọi hình thức bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái; đưa ra những biện pháp cụ thể và quyết liệt nhằm giúp phụ nữ thực hiện các quyền về học hành và phát triển, bình đẳng giới, trong đó có quyền tham gia đầy đủ vào các hoạt động kinh tế, văn hóa, chính trị và xã hội tại tất cả những nơi họ đang sinh sống. 

Đừng để bất bình đẳng giới tồn tại xung quanh chúng ta, dù dưới hình thức nào, và hãy tôn vinh phụ nữ - những người mẹ - để mỗi ngày của họ đều là Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3. 

TIỂU CƯỜNG 

.
.
.