Điểm cộng cho bảo vệ môi trường du lịch

Thứ Sáu, 17/02/2023, 19:48 [GMT+7]
In bài này
.

Cuối tuần qua, tại Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Việt Nam phối hợp với Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên - môi trường (Bộ TN-MT) và Chương trình Phát triển LHQ tại Việt Nam (UNDP) tổ chức Lễ khởi động Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam.

Dự án được tài trợ thực hiện trong hai năm 2023 và 2024, có mục tiêu thúc đẩy các hoạt động giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch, góp phần bảo vệ môi trường, phát triển bền vững của ngành du lịch, cũng như phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.

Dự án được mong đợi là cú “kích hoạt”, nhằm lan tỏa trên diện rộng của cả nước về bảo vệ môi trường, giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch khi có các hợp phần: Truyền thông nâng cao nhận thức về giảm rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch; Xây dựng kế hoạch hành động giảm thiểu rác thải nhựa trong ngành du lịch và ứng dụng (APP) quản lý rác thải nhựa đối với DN du lịch.

Dự án cũng thí điểm áp dụng các giải pháp, sáng kiến giảm thiểu rác thải nhựa tại một số khu, điểm du lịch tại 2 tỉnh Ninh Bình, Quảng Nam.

Trên thực tế, việc bảo vệ môi trường, chống rác thải nhựa ở các khu du lịch không phải là mới mà được triển khai từ nhiều năm nay. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có được những mô hình đột phá, có tính lan tỏa rộng và thực sự bền vững.

Còn nhớ, khoảng 3, 4 năm về trước, tại bãi biển Mỹ Khê, quận Sơn Trà, TP.Đà Nẵng lần đầu tiên xuất hiện chú cá khổng lồ làm bằng tre, lá cọ mang tên “Bống - Goby” đã tạo sự hấp dẫn đối với người dân và du khách.

Chú cá không chỉ truyền bá thông điệp về môi trường, mà còn khuyến khích mọi người mang rác thải từ nhựa cho cá “ăn”. Khi vừa xuất hiện, mô hình gần như ngay lập tức “dậy sóng” trên truyền thông, mạng xã hội và được đánh giá cao bởi chính quyền các cấp và cộng đồng trong cả nước.

Tuy nhiên, có lẽ sau thời gian ngắt quãng khá dài do ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, mô hình trên dường như tạm lắng, ít lan tỏa đến các địa phương có biển và du lịch biển của cả nước.

Khách du lịch cũng khá ấn tượng bởi những thông điệp bảo vệ môi trường ngắn gọn, dễ nhớ như: “Hãy đừng để lại gì ngoài những dấu chân và hãy đừng mang theo gì ngoài những bức ảnh” ở nhiều khu du lịch trong cả nước. Những dòng chữ trên được viết lên những tấm biển được thiết kế hình thù ngộ nghĩnh, dễ thương, gắn ở gốc cây, phiến đá hoặc nơi dễ nhìn thấy nhất tại các khu du lịch, rừng bảo tồn, sông, suối… như một lời nhắc nhở du khách về bảo vệ môi trường.

Ở Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều chương trình chống rác thải nhựa cũng đã được triển khai bởi các cấp chính quyền, đoàn thể. Bên cạnh đó, nhiều lực lượng tình nguyện tại cộng đồng cũng đã tham gia bảo vệ môi trường, tuyên truyền giảm thiểu rác thải nhựa ở khu dân cư, nơi công cộng và điểm du lịch.

Những tình nguyện viên, đội nhóm thu gom rác thải ở bãi biển, nơi công cộng vào cuối tuần đã trở nên khá quen thuộc, thường xuyên. Vậy nhưng, rác thải nhựa vẫn chưa được giải quyết triệt để ở nhiều khu du lịch, điểm đến của địa phương cũng như cả nước.

Nhiều ý kiến cho rằng, việc giảm thải rác thải nhựa lệ thuộc phần nhiều vào ý thức cá nhân của mỗi người. Đó là tự tạo thói quen xả rác đúng nơi quy định, bởi, ở hầu khắp các địa điểm công cộng, khu du lịch đều đã bố trí thùng rác.

Song song đó, các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, du khách, kể cả hàng rong cũng cần phải tiết giảm tối đa hoặc không sử dụng bao bì có chất liệu nhựa, thay vào đó là các chất liệu thân thiện môi trường, tái sử dụng nhiều lần.

Lấy ví dụ, bà bán xôi ở vỉa hè sử dụng lá chuối thay vì hộp xốp, túi nilon để gói xôi là đã góp phần giảm rác thải nhựa.

Những ngày đầu năm mới, khi mùa lễ hội đang diễn ra sôi động trong cả nước, Dự án giảm thiểu rác thải nhựa trong lĩnh vực du lịch Việt Nam là điểm cộng trong công tác bảo vệ môi trường.

TIỂU CƯỜNG

 
;
.