Làm gì để liên kết du lịch vùng hiệu quả?
6 tỉnh Đông Nam bộ gồm Bà Rịa-Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Phước, Tây Ninh và TP. Hồ Chí Minh vừa sơ kết 2 năm thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch vùng. Có nhiều việc đã được thúc đẩy trong 2 năm qua như: thường xuyên có sự trao đổi về công tác quản lý nhà nước giữa các tỉnh, quảng bá hình ảnh lẫn nhau, đào tạo nhân lực, lượng khách du lịch của toàn vùng cao nhất cả nước.
Tuy nhiên, khách quan mà nói hoạt động liên kết du lịch giữa các tỉnh chủ yếu vẫn là các sự kiện bề nổi như hội thảo, hội nghị, hội chợ, ký kết văn bản thỏa thuận hợp tác chung chung. Ngay cả số liệu về lượng khách thống kê được qua 2 năm của toàn vùng cũng chưa thuyết phục rằng liên kết hiệu quả, vì vốn dĩ vùng Đông Nam Bộ có tốc độ tăng dân số cao nhất nước do thu hút nhiều dân nhập cư từ các vùng khác đến sinh sống.
Trên thực tế, khi chưa ký thỏa thuận liên kết, các địa phương trong vùng đã hình thành và khai thác thế mạnh đặc trưng riêng, như TP. Hồ Chí Minh tập trung phát triển du lịch mua sắm, văn hóa - lịch sử, ẩm thực, du lịch đường thủy, du lịch hội nghị - hội thảo, du lịch y tế, giải trí. Đồng Nai khai thác du lịch nông nghiệp, văn hóa-lịch sử. Bà Rịa-Vũng Tàu với loại hình nghỉ dưỡng biển, hội nghị - hội thảo, chăm sóc sức khỏe, văn hóa - lịch sử, sinh thái, thể thao. Tây Ninh hướng vào du lịch văn hóa - di sản. Bình Phước tập trung cho du lịch cộng đồng, nông nghiệp, về nguồn. Còn Bình Dương khai thác di tích lịch sử văn hóa, làng nghề, sinh thái.
Khi ký thỏa thuận liên kết vùng, giữa các địa phương hình thành được những tour liên tuyến như “Hương sắc Tây Ninh” hành trình TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Núi Bà Đen. “Về nguồn” TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh - Trung ương Cục miền Nam. “Tình đất đỏ miền đông” theo hành trình TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bình Phước. “Thiên nhiên xanh mát - Sắc biển hòa ca” theo hành trình TP. Hồ Chí Minh - Đồng Nai - Bà Rịa-Vũng Tàu… Thế nhưng, việc khai thác các tour du lịch liên kết trên chưa mang lại kết quả như kỳ vọng. Thiếu cơ chế quản lý, điều phối để theo dõi, giám sát thúc đẩy việc thực thi cam kết của các địa phương, giữa DN du lịch với nhau bảo đảm hài hòa lợi ích, cạnh tranh bình đẳng, phù hợp với từng địa phương.
Trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch cả nước, Đông Nam Bộ phải trở thành vùng động lực hàng đầu để phát triển du lịch Việt Nam với hệ thống sản phẩm du lịch đa dạng, độc đáo, có thương hiệu và sức cạnh tranh với các nước trong khu vực. Theo các chuyên gia du lịch, nhiệm vụ trên rất nặng, đòi hỏi tư duy, cách làm đột phá phi thường mới có thể trở thành hình mẫu của cả nước được.
Theo các chuyên gia du lịch, 6 tỉnh Đông Nam Bộ cần nghiên cứu thành lập bộ máy tổ chức quản lý du lịch vùng gắn với chức năng, nhiệm vụ quyền hạn nhất định để thắt chặt hơn nữa sợi dây liên kết vùng, tạo ra những sản phẩm xóa bỏ sự ngăn cách về địa giới hành chính, cho người đi du lịch được trải nghiệm trọn vẹn các dịch vụ với chi phí hợp lý, tăng tính cạnh tranh của vùng.
Liên kết vùng du lịch không chỉ nhằm trao đổi, kết nối nguồn khách mà còn tạo ra sức hút đầu tư thông qua những cơ chế, chính sách kích cầu đủ sức kêu gọi sự tham gia của những nhà đầu tư chiến lược vào lĩnh vực du lịch, góp phần thay đổi diện mạo, từng bước hiện đại hóa và nâng cao chất lượng của hệ thống cơ sở vật chất phục vụ du lịch trong vùng.
Về lâu dài, cần thiết lập quỹ phát triển du lịch vùng để huy động nguồn lực thực hiện các chương trình, dự án hợp tác liên kết đầu tư phát triển về giao thông, hạ tầng dịch vụ ở các di tích, danh lam, thắng cảnh, xây dựng các trạm dịch vụ phục vụ khách du lịch mang tính liên vùng.
TRẦN HIỀN