Vì mục tiêu nhà ở cho người thu nhập thấp
Với tốc độ tăng trưởng cao, Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam (gồm TP. Hồ Chí Minh, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đồng Nai, Bình Phước, Tây Ninh, Long An, Tiền Giang) thu hút số lượng lớn lao động nhập cư đến từ nhiều nơi trên cả nước. Tình trạng thiếu nhà ở cho công nhân, người lao động ở gần các khu công nghiệp (KCN), khu chế xuất (KCX), cụm công nghiệp (CCN) từ nhiều năm nay là vấn đề bức xúc đối với đời sống xã hội và gây nhiều khó khăn trong việc an cư của lao động nhập cư.
Theo khảo sát mới đây của Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, nhà ở cho công nhân lao động đang làm việc trong các KCN, KCX, CCN ở Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mới chỉ đáp ứng khoảng 30% nhu cầu thuê, mua. Cụ thể, tại TP. Hồ Chí Minh, hiện có hơn 400.000 người lao động đang làm việc trong 41 KCN, KCX, CCN và khu công nghệ cao, nhưng thành phố mới chỉ giải quyết được khoảng hơn 20% nhu cầu về nhà ở của công nhân. Còn với các địa phương khác trong vùng, nhà ở cho công nhân lao động nhập cư cũng chỉ ở mức 30%.
Phần lớn công nhân, người lao động nhập cư làm việc ở các KCN, KCX, CCN có mức thu nhập trung bình và thấp, phải thuê nhà trọ, điều kiện sống khó khăn, không ổn định, đã tác động lớn tới năng suất lao động. Với thu nhập trung bình của một cặp vợ chồng công nhân làm việc ở các KCN, KCX, CCN ở mức 16-20 triệu đồng/tháng, tiền thuê nhà cộng với chi phí sinh hoạt, nuôi con nhỏ, thì khoản tiết kiệm dôi dư chỉ ở mức 3-4 triệu đồng/tháng.
Cả đời làm công nhân, việc mua nhà giá hàng tỷ đồng là vượt khả năng đối với họ. Sở hữu một căn hộ giá rẻ trong các dự án nhà ở cho công nhân, hay ký túc xá cho người lao động thuê đang là ước mơ của nhiều người. Và điều đó có thể thành hiện thực nếu có sự vào cuộc quyết liệt với quyết tâm cao của các cấp chính quyền, các doanh nghiệp và các cấp công đoàn.
Với mục tiêu phát triển nhà ở xã hội phù hợp khả năng chi trả của công nhân, người lao động nghèo, theo lộ trình từ nay đến năm 2030, cả nước phấn đấu xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ cho người thu nhập thấp, người có hoàn cảnh khó khăn, là cơ sở để các địa phương gắn với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới.
Nhấn mạnh tới mục tiêu 1 triệu căn hộ và lộ trình thực hiện tại hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhắc nhở: “Nhiều địa phương, nhất là người đứng đầu chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động ở KCN; chưa thực hiện phủ kín quy hoạch, bố trí quỹ đất nhà ở xã hội; chưa đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm. Thực tế cùng một cơ chế, chính sách, nhưng nơi nào người đứng đầu thực sự quan tâm, làm việc có cảm xúc thì sẽ ra kết quả cụ thể”.
Để người lao động chạm đến được ước mơ về nơi “an cư” để “lạc nghiệp”, rất cần sự nỗ lực và quyết tâm cao của lãnh đạo các địa phương trong việc tháo gỡ các điểm nghẽn về cơ chế, chính sách và thực hiện có hiệu quả chỉ tiêu, kế hoạch xây dựng nhà ở xã hội. Theo đó, cần tiếp tục rà soát, nhận diện các tồn tại, khó khăn, xác định nguyên nhân, từ đó đề ra giải pháp xây dựng nhà ở xã hội phù hợp với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của địa phương.
Nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân lao động trong các KCN, KCX, CCN nên chia phân khúc theo thời gian, diện tích nhỏ dành cho người chưa ổn định, diện tích lớn hơn dành cho các hộ gia đình đã ổn định. Đặc biệt, giá cả phải hợp lý, phù hợp với người lao động nghèo và phải bảo đảm các yếu tố về giáo dục, y tế, văn hóa, giải trí, đi lại…
Đáp ứng được nhu cầu nhà ở cho người lao động thu nhập thấp là tạo điều kiện giúp các doanh nghiệp trong các KCN, KCX, CCN luôn có lực lượng lao động ổn định, giữ chân được công nhân kỹ thuật lành nghề làm việc lâu dài, tăng năng lực sản xuất sản phẩm cạnh tranh và góp phần ổn định an ninh trật tự, giảm tệ nạn xã hội tại các địa phương.
HOÀNG LÊ