Giữ chân người lao động
Cách đây 1 năm, cũng vào dịp cuối năm, do ảnh hưởng của đợt bùng phát lần thứ tư của đại dịch COVID-19, làn sóng người lao động trở về quê nhà để nương náu, tạm qua giai đoạn khó khăn đã dấy lên lo ngại về thiếu hụt lao động ở các khu công nghiệp thuộc các tỉnh, thành phía Nam khi dịch bệnh được đẩy lùi.
“Cơn địa chấn” do COVID-19 đã trôi qua, những tưởng người lao động sẽ không còn phải chật vật nhờ nền kinh tế dần phục hồi. Vậy nhưng, trong những tháng cuối năm, người lao động đang phải đối mặt với khó khăn khi nhiều doanh nghiệp bị cắt giảm đơn hàng. Kéo theo đó, người lao động bị giảm việc làm, giảm thu nhập, thậm chí là mất việc làm.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, hàng chục doanh nghiệp trong các ngành nghề như: may gia công giày, túi xách, dệt may, dịch vụ vận tải, xếp dỡ hàng hóa, sản xuất bao bì, khai thác đá sỏi… buộc phải cắt giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Sở LĐ-TB-XH dự báo, thời gian tới sẽ có khoảng 16.000 lao động khu vực chính thức bị giảm giờ làm, một số bị mất việc. Trong 11 tháng năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tiếp nhận hơn 15.700 hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 17% so với cùng kỳ năm 2021. Và có thể, tình trạng này sẽ còn kéo dài sang năm 2023.
Trước thực trạng này, một số tỉnh, thành đã thành lập tổ công tác đặc biệt để nắm bắt tình hình tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp nhằm có giải pháp kịp thời để tháo gỡ khó khăn trước mắt cho cả người lao động và doanh nghiệp; nhất là ở thời điểm Tết Nguyên đán 2023 đang cận kề.
Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, LĐLĐ tỉnh đã chỉ đạo các cấp công đoàn quan tâm, sâu sát, nắm bắt thực trạng, có giải pháp hỗ trợ kip thời. Song song đó, LĐLĐ cũng có kế hoạch triển khai các gói an sinh, vay vốn ưu đãi và các chính sách khác để người lao động gặp khó khăn được giúp đỡ trong dịp này.
Dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, sẽ còn nhiều khó khăn cho người lao động ở phân khúc ngành nghề sản xuất gia công. Họ vẫn rất cần những gói hỗ trợ an sinh xã hội từ nhiều nguồn cho người lao động khó khăn trên địa bàn.
Tuy nhiên, về lâu dài, các cấp, các ngành phải tìm kiếm những giải pháp an sinh bền vững hơn cho người lao động. Bởi, điều mong mỏi của người lao động không phải nằm ở những gói hỗ trợ an sinh hay những khoản tiền trợ cấp trong lúc ngặt nghèo mà là một công việc ổn định có thể tự nuôi sống bản thân và gia đình một cách bền vững.
Thực tế cho thấy, phân khúc lao động bị ảnh hưởng nhiều nhất vẫn thuộc về những ngành nghề thâm dụng lao động, gia công các sản phẩm dày da, dệt may… Vì vậy, rất nên xem xét, cân nhắc chuyển dịch thu hút đầu tư từ phân khúc sản xuất gia công thâm dụng lao động sang những phân khúc có giá trị cao hơn.
Tất nhiên, sự chuyển dịch về mô hình phát triển chắc chắn sẽ có nhiều thách thức, nhưng vẫn cần thực hiện từng bước nhằm giảm dần tình trạng lệ thuộc vào lao động di cư như hiện nay. Bởi, lao động ở khu vực nông thôn sẽ không phải rời bỏ quê nhà một khi có việc làm và thu nhập ổn định. Còn ở thành phố, các cấp chính quyền không phải quá đau đầu với bài toán khi công nhân mất việc, ồ ạt rời bỏ thành phố để về quê như hiện tại.
TIỂU CƯỜNG