.

"Phá băng" thị trường bất động sản

Cập nhật: 20:23, 04/12/2022 (GMT+7)

Sau thời gian tăng nóng, thị trường bất động sản ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã hạ nhiệt, các giao dịch chững lại, thanh khoản giảm mạnh. Trầm lắng nhất là phân khúc đất nền vốn “gây sốt” thị trường bất động sản tại Bà Rịa - Vũng Tàu trong những năm qua, đặc biệt trong khoảng thời gian từ cuối năm 2020 đến 4 tháng đầu năm 2022.

Dữ liệu của batdongsan.com.vn cho thấy, lượng quan tâm đến đất nền dự án tại Bà Rịa - Vũng Tàu giảm 34% so với cùng kỳ năm 2021, mức giảm sâu nhất trong số các loại hình bất động sản chính ở Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trên các hội, nhóm, diễn đàn, thông tin rao bán đất nền, căn hộ chung cư xuất hiện dày đặc với nội dung giảm giá từ 40-50% so với cuối năm ngoái, nhưng ít người giao dịch. Nhiều chủ đầu tư chấp nhận bán cắt lỗ để thoát hàng cũng không có người mua. Nhà đầu tư trong tâm trạng “đứng ngồi không yên”, nhất là những người sử dụng đòn bẩy tài chính để đầu tư bất động sản. Áp lực về dòng tiền đã khiến nhiều nhà đầu tư đi vay vốn với lãi suất cao để cố gồng gánh, hy vọng sẽ sớm thoát hàng.

Quá trình hình thành cảng biển, sân bay, các đô thị mới… ở miền Đông Nam Bộ nói chung và Bà Rịa - Vũng Tàu nói riêng, là nguồn của những cơn sốt đất và cơ hội nắm giữ đất chờ tăng giá. Trong sự nhiễu loạn về thông tin quy hoạch, tâm lý đầu cơ dần hình thành trong một bộ phận người dân, kích thích giá đất nhiều nơi tăng mạnh. Thực tế cũng cho thấy, tình trạng sốt ảo giá đất còn nằm trong “kịch bản” của một số nhà đầu tư với sự tiếp tay của đội quân “đầu nậu”, cò đất.

Thị trường bất động sản hạ nhiệt, những cơn sốt đất bị “cắt” là kết quả của việc Ngân hàng Nhà nước “siết” vốn tín dụng vào phân khúc bất động sản có tính đầu cơ, thuế áp giá cao theo thị trường.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, chính quyền các địa phương đã xử lý mạnh tay với những công trình xây dựng trái phép, làm đường trên đất nông nghiệp, buộc các trường hợp vi phạm trả lại hiện trạng theo đúng mục đích sử dụng và quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt; đồng thời làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra vi phạm pháp luật về quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn.

Không nghi ngờ gì nữa, việc hạn chế cho vay bất động sản, tham gia đấu giá đất; siết huy động vốn thông qua trái phiếu doanh nghiệp… đã nhanh chóng dập tắt những cơn sốt đất, những “kịch bản” đầu cơ. Nó cũng khiến các doanh nghiệp bất động sản cân nhắc thiệt hơn, tập trung đầu tư vào các dự án khả thi nhất, đưa sản phẩm ra thị trường nhanh nhất.

Đóng góp của thị trường bất động sản trong GDP giai đoạn 2019-2021 khoảng 14%. Khi nhu cầu sử dụng cuối cùng của ngành bất động sản tăng 1.000 tỷ đồng, sẽ kích thích giá trị sản xuất của các ngành còn lại 772 tỷ đồng và lan tỏa tới giá trị tăng thêm 191 tỷ đồng. Dẫn dữ liệu của trang batdongsan.com.vn để thấy rằng, ngành bất động sản tăng trưởng không chỉ có lợi cho chính nó, còn tạo ra hiệu ứng lan tỏa tới nền kinh tế quốc gia.

Thị trường bất động sản đóng băng, các giao dịch chững lại, một dòng tiền lớn chôn vào đất, gây lãng phí nguồn lực xã hội. Đó là chưa nói tới cơ hội mua nhà để ở của người có thu nhập thấp sẽ càng xa. Thực trạng đó đòi hỏi những nỗ lực “phá băng” của các bộ ngành, địa phương, giúp thị trường bất động sản sớm thoát cảnh chợ chiều.

Một nhà đầu tư bất động sản ở TX.Phú Mỹ cho biết đã “chôn”gần 20 tỷ đồng vào những lô đất nền trên địa bàn, đồng thời chia sẻ rất “thấm” quan điểm của Thủ tướng Phạm Minh Chính trước việc thị trường bất động sản bị đóng băng. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng, Nhà nước, DN và các địa phương cần có biện pháp thì người dân mới nhận được kết quả. Sửa được gì phải sửa ngay. Nhà nước phải có một số biện pháp, doanh nghiệp phải có một số biện pháp và các địa phương cũng có một số biện pháp thì người dân mới có kết quả…”.

Từ sau thông điệp của Thủ tướng, Tổ công tác của Thủ tướng đã được thành lập với mục đích “sửa được gì phải sửa ngay”, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các địa phương, doanh nghiệp trong triển khai thực hiện các dự án bất động sản. Một hội nghị của Chính phủ họp bàn về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng đã được Văn phòng Chính phủ xếp lịch họp. Các DN kỳ vọng nhiều quyết sách mới sẽ được đưa ra không chỉ có tác dụng “phá băng” thị trường bất động sản, mà còn đưa thị trường này trở về đúng giá trị thực, bảo đảm tính minh bạch, chính xác và phát triển bền vững.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 

.
.
.