Để ngành chăn nuôi phát triển bền vững
Nhìn đàn gà lông trắng hơn 1.000 con chuẩn bị xuất chuồng cho thị trường Tết sắp tới, bà Ngô Thị Hồng, xã Đá Bạc, huyện Châu Đức không khỏi lo lắng. Đây là lứa gà thứ ba trong năm –bà Hồng dồn hết công sức và kỳ vọng sẽ bù lỗ cho 2 lứa trước bởi như thông lệ hàng năm, thị trường Tết nhu cầu sẽ tăng lên, giá bán cũng cao hơn. “Tuy nhiên, cho đến thời điểm này giá thành vẫn cao hơn giá bán. 2 lứa trước tôi lỗ hơn 1.000 đồng/kg, đang trông chờ vào vụ Tết, nhưng tình hình thị trường như hiện nay thì tôi rất lo, nhất là không cạnh tranh được giá với gà nhập ngoại đang bán đầy các siêu thị”, bà Hồng lo lắng.
Trên Báo Bà Rịa – Vũng Tàu số ra gần đây cũng đã có bài viết phản ánh tình trạng người chăn nuôi gà đang như ngồi trên đống lửa, khi mà Tết nguyên đán đã cận kề nhưng thị trường vẫn không mấy khởi sắc. Nguyên nhân là do nguồn cung trong nước dồi dào trong khi các loại thịt đông lạnh cũng được ồ ạt nhập về.
Thống kê của Bộ NN&PTNT trong 11 tháng năm 2022 cũng cho thấy, Việt Nam xuất khẩu các sản phẩm chăn nuôi chỉ đem về 361 triệu USD, nhưng phải chi tới 3 tỷ USD để nhập khẩu các mặt hàng cùng loại. Thậm chí, khi mà nguồn cung trong nước đang dư thừa thì 10 tháng, Việt Nam đã nhập tới 211.000 tấn thịt gà, 165.000 tấn thịt heo, 119.000 tấn thịt bò và 135.000 tấn thịt trâu. Riêng đối với gia cầm, thịt và các sản phẩm gia cầm như chân, đầu, cổ, cánh, nhập khẩu tiếp tục tăng đều và tăng nhanh trong giai đoạn 2017-2022. Với mức tăng 214,63% trong 5 năm qua, đây là rào cản và thách thức rất lớn đối với ngành chăn nuôi.
Rõ ràng áp lực cạnh tranh về thị trường của sản chăn nuôi nhập khẩu ngày càng lớn, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới phát huy hiệu lực. Theo lộ trình hiệp định thì tới đây, thuế nhập khẩu giảm xuống 0%, “cuộc chiến” cạnh tranh về thị trường ngay trên sân nhà sẽ vô cùng khốc liệt. Điều này đặt ra cho ngành chăn nuôi trong nước phải có giải pháp mang tính bước ngoặt để phát triển ngành bền vững, ở đó không chỉ là cạnh tranh với sản phẩm thịt nhập khẩu mà còn phải hướng tới chế biến để xuất khẩu nhiều hơn.
Giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh các mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao, an toàn sinh học; xây dựng cơ sở, vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh; kinh tế tuần hoàn trong chăn nuôi... Việc đầu tư vào lĩnh vực giết mổ, chế biến cũng như đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, phát triển thị trường cần được quan tâm nhiều hơn.
Một điểm yếu nhất của ngành chăn nuôi nước ta cần sớm được tháo gỡ, đó chính là giá thành sản xuất cao, do đó phần lớn các sản phẩm chăn nuôi chính của Việt Nam đều có giá cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới. Nguyên nhân là do còn phụ thuộc khá nhiều nguồn nguyên liệu, chi phí đầu vào như con giống, thức ăn, thuốc thú y... Điều này đòi hỏi các địa phương phải chủ động tổ chức lại sản xuất theo chuỗi liên kết từ cung cấp đầu vào đến khâu chế biến, tiêu thụ sản phẩm, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi cung ứng thực phẩm khu vực nội khối, toàn cầu.
LAM GIANG