Ngăn chặn thực phẩm bẩn

Thứ Hai, 21/11/2022, 19:10 [GMT+7]
In bài này
.

Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) là một trong những nội dung được các đại biểu QH thảo luận tại Kỳ họp thứ tư QH khóa XV vừa qua, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng kém, hàng nhái, hàng giả tràn lan; hầu như ở địa phương, chợ truyền thống nào cũng tồn tại.

Nhiều nội dung mới của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) được nhiều đại biểu QH quan tâm và cho rằng cần có những quy định rõ ràng, cụ thể về lĩnh vực VSATTP nhằm bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng. Theo đó, để ngăn chặn và hạn chế đến mức thấp nhất vấn nạn VSATTP, nhiều ý kiến nêu rõ, cần tăng nặng chế tài xử phạt đối với những vi phạm về VSATTP và có phương án bồi thường cho người tiêu dùng.

Trong những năm qua, nhờ việc tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục kiến thức pháp luật về VSATTP nên đã góp phần tạo chuyển biến tích cực về nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định pháp luật về VSATTP. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đã có ý thức hơn trong việc cung ứng các loại thực phẩm an toàn. Mặt khác, ý thức của người tiêu dùng trong việc sử dụng thực phẩm chất lượng cũng được nâng lên nên đã tác động tới các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Tuy nhiên, theo thông lệ vào những tháng cuối năm, thị trường thực phẩm luôn sôi động để chuẩn bị cho mùa lễ, tết. Lợi dụng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng tăng mạnh vào dịp này, nhiều cơ sở sản xuất, chế biến, nhiều cửa hàng kinh doanh, chợ đầu mối… thường tung ra thị trường các loại thực phẩm kém chất lượng, các loại hàng giả, hàng nhái, không rõ nguồn gốc xuất xứ, thậm chí, kể cả các loại thực phẩm quá hạn sử dụng. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng còn dễ dãi trong việc lựa chọn chất lượng thực phẩm, chỉ quan tâm tới giá cả mà chưa  hình thành thói quen tẩy chay thực phẩm không an toàn.

Chính những yếu tố đó đã tạo điều kiện cho những đối tượng làm ăn gian dối “đục nước béo cò”. Chỉ tính từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh BR-VT, ngành y tế, công thương, NN-PTNT của tỉnh đã kiểm tra 6.845 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, xử phạt hành chính 104 cơ sở vi phạm, với số tiền hơn 610 triệu đồng. Cục quản lý thị trường tỉnh kiểm tra 242 vụ, xử lý hành chính 45 vụ với số tiền 435 triệu đồng.

Nhằm góp phần ngăn chặn thực phẩm bẩn, hàng giả, hàng kém chất lượng trong những tháng cuối năm, các địa phương, các ngành chức năng cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra VSATTP; chú trọng công tác hậu kiểm sau công bố và xử lý mạnh tay các cơ sở vi phạm VSATTP nhiều lần. Tuyệt đối không để các sản phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường; kiên quyết yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, dịch vụ ăn uống nếu vi phạm các quy định VSATTP phải có các biện pháp khắc phục thì mới được tiếp tục hoạt động.

Đặc biệt, cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong việc truy xuất nguồn gốc và các thông tin cơ bản về sản phẩm. Khuyến cáo đối với người tiêu dùng hình thành thói quen mua sắm, tiêu dùng thông minh để thực phẩm, nông sản “bẩn”, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng không còn cơ hội tồn tại.  

Nói “không” với thực phẩm, nông sản “bẩn” cũng là cách người tiêu dùng chung tay góp phần loại bỏ những mánh lới sản xuất, buôn bán hàng giả, thực phẩm kém chất lượng và tự bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng xã hội.

HOÀNG LÊ

;
.