Để Cái Mép - Thị Vải phát triển xứng tầm

Thứ Hai, 14/11/2022, 18:17 [GMT+7]
In bài này
.

Là một trong hai cụm cảng đặc biệt của hệ thống cảng biển Việt Nam, Cái Mép - Thị Vải có rất nhiều lợi thế vượt bậc, có chức năng là cảng cửa ngõ, trung chuyển quốc tế. Đây là cụm cảng trung chuyển quốc tế có tần suất cao nhất trực tiếp đi châu Âu, Bắc Mỹ và là một trong 23 cảng trên thế giới có thể tiếp nhận tàu có trọng tải đến đến 250.000 tấn, thuộc nhóm 50 cảng biển có sản lượng khai thác container cao nhất thế giới, hàng năm đóng góp cho ngân sách Trung ương hơn 20.000 tỷ đồng thuế xuất nhập khẩu. Với hệ thống cầu cảng biển nước sâu dài gần 20km (theo quy hoạch), là một trong 20 cảng nước sâu lớn nhất thế giới thế nhưng Cái Mép-Thị Vải vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế.

Trong rất nhiều cuộc làm việc với Chính phủ, bộ, ngành Trung ương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng như các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp cảng biển đã chỉ rõ “điểm nghẽn”, đó là các cảng đang bị chia cắt, cầu cảng chưa gắn kết, hàng hóa từ tàu nhỏ chuyển sang tàu lớn không có sự liên thông, chưa thật sự là cảng trung chuyển; thiếu một tổ chức kiểm tra chuyên ngành tại chỗ; thiếu một hệ sinh thái logistics; thiếu một hệ thống giao thông kết nối liên vùng đa phương thức; chi phí logistics cao, thời gian thông quan kéo dài… Chính vì vậy, dù có lợi thế “cảng đặc biệt” nhưng Cái Mép - Thị Vải mới chỉ khai thác 50% công suất. Rõ ràng, dư địa của Cái Mép - Thị Vải còn rất lớn, nhưng làm thế nào để khai thác tối đa tiềm năng thì rất cần giải pháp đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả hơn.

Mới đây, Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng khẳng định và chỉ ra các giải pháp để đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành cảng trung chuyển quốc tế. Đây được xem như là “kim chỉ nam” - mở ra những định hướng mới, đúng đắn để Cái Mép - Thị Vải thực sự “cất cánh” trong tương lai gần.

Bà Rịa - Vũng Tàu đang lập quy hoạch trung tâm logistics Cái Mép Hạ với diện tích 1.700ha, với mục tiêu hình thành các KCN gắn với các đô thị công nghiệp, đô thị ven biển tại thị xã Phú Mỹ. Đặc biệt hiện nay, hệ thống hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức giữa cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành, các trung tâm công nghiệp lớn tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và các địa phương khác trong vùng Đông Nam Bộ đang được đẩy mạnh đầu tư. Cùng với đó, việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ với ba lớp sinh thái gồm: cảng nước sâu trung chuyển quốc tế, trung tâm logistics và công viên công nghiệp; gắn với hành lang công nghiệp - đô thị Đông Tây dài gần 300km kéo từ Mộc Bài (Tây Ninh) đến Cái Mép - Thị Vải, tạo ra lợi thế so sánh vượt trội của Việt Nam so với các quốc gia trong khu vực và thế giới…

Với chủ trương, chính sách mang tính đột phá, kỳ vọng Cái Mép-Thị Vải sẽ sớm đạt mục tiêu trở thành cảng trung chuyển quốc tế như Nghị quyết 24 đã đặt ra.

NGÔ GIA

;
.