Chăm lo cho người cao tuổi
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm công tác chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người cao tuổi và đã đạt nhiều thành tựu tích cực trong công tác này. Ngoài chính sách chung của nhà nước, cộng đồng xã hội đã dành sự quan tâm đặc biệt cho người cao tuổi thông qua các hoạt động thiết thực như: thăm, tặng quà, khám bệnh, phát thuốc miễn phí cho người cao tuổi; hỗ trợ tiền, vật chất cho người già neo đơn; đón người già neo đơn vào nuôi dưỡng tại các mái ấm, cơ sở bảo trợ xã hội…
Nhiều người cao tuổi không ỷ lại vào trợ giúp của nhà nước hay cộng đồng mà đã phát huy vai trò “tuổi cao gương sáng”, nỗ lực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế gia đình, làm chủ doanh nghiệp, qua đó giải quyết việc làm cho hàng chục lao động, hỗ trợ vốn cho người nghèo phát triển kinh tế, đồng thời đóng góp cho các hoạt động từ thiện, xã hội. Trong gia đình, họ là những người cha, người ông mẫu mực về học tập, lao động, lối sống, là tấm gương sáng để con cháu noi theo. Với công việc chung của cộng đồng, nhiều người cao tuổi tham gia các tổ hòa giải cơ sở, đóng góp trí tuệ, kinh nghiệm vào việc xây dựng quê hương thông qua các ban giám sát cộng đồng; tham gia phản biện trong xây dựng chủ trương, chính sách của Đảng, nhà nước. Tiếng nói của người cao tuổi luôn được lắng nghe, trân trọng tiếp thu, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Theo Tổng cục Thống kê, cả nước có hơn 11,4 triệu người cao tuổi, chiếm khoảng 12% dân số. Trong đó, khoảng 3,1 triệu người cao tuổi hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hàng tháng, gần 1,7 triệu người cao tuổi được nhận trợ cấp xã hội hàng tháng, 1,4 triệu người cao tuổi hưởng chính sách người có công. Thế nhưng, vẫn còn số lượng lớn người cao tuổi (gần 7,3 triệu người) sống ở khu vực nông thôn (chiếm 41,9%). Trong đó, nhiều người xuất thân từ nông dân hoặc lao động nông nghiệp. Họ không có tích lũy, lương hưu hay được hưởng các khoản trợ cấp xã hội. Mọi chi tiêu trong sinh hoạt thường nhật hoặc khám, chữa bệnh đều trông cậy từ sự hỗ trợ của con, cháu, trong khi con cháu còn khó khăn nên cuộc sống của nhiều người cao tuổi còn chật vật. Nhiều trường hợp sống độc thân, không nơi nương tựa, nên dù tuổi cao, sức khỏe kém vẫn phải tự lao động kiếm sống hàng ngày. Đó cũng là lý do khiến tỷ lệ người cao tuổi thuộc hộ nghèo cao hơn bình quân chung của cả nước.
Để có thêm nguồn lực chăm lo cho người cao tuổi, dự kiến ngày 1/10, tại tỉnh Hưng Yên, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tổ chức lễ hưởng ứng Tháng hành động vì người cao tuổi Việt Nam năm 2022 với chủ đề “Chung tay chăm sóc người cao tuổi nghèo, người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”. Trong Tháng hành động này, Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam vận động các tập đoàn kinh tế, tổ chức, cá nhân tiếp tục chung tay góp sức để có điều kiện chăm sóc người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn và các trường hợp đặc biệt khác.
Người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi neo đơn, có hoàn cảnh khó khăn cần được chăm lo về mọi mặt, từ miếng ăn, giấc ngủ đến sức khỏe và đời sống tinh thần. Do vậy, việc chăm lo cho người cao tuổi cần được duy trì thường xuyên hàng ngày. Công tác này không chỉ là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, các tổ chức xã hội mà còn là trách nhiệm của cả cộng đồng, của mỗi gia đình, cá nhân, để người cao tuổi thực sự được sống vui, sống khỏe.
NGUYỄN ĐỨC