.

Để người Việt dùng hàng Việt

Cập nhật: 20:38, 29/09/2022 (GMT+7)

UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh.

Mục tiêu trọng tâm của Kế hoạch là giữ thị phần hàng Việt Nam có thế mạnh với tỷ lệ trên 85% tại các kênh phân phối hiện đại (trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini, thương mại điện tử...). Phấn đấu 100% các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh xây dựng được chuỗi phân phối sản phẩm doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX, hộ nông dân sản xuất hàng Việt Nam tại thị trường trong nước. Các địa phương tổ chức được dịch vụ hỗ trợ kết nối cung cầu cho doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất, kinh doanh trong tỉnh.

Kế hoạch cũng giao nhiệm vụ trọng tâm cho từng cơ quan đơn vị. Trong đó, UBMTTQ Việt Nam tỉnh có trách nhiệm đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông đến cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức chính trị - xã hội, các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong tỉnh nhận thức đúng yêu cầu của cuộc vận động nhằm ưu tiên mua hàng Việt Nam. Đẩy mạnh Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên môi trường trực tuyến (website: www.tuhaohangvietnam.vn).

Sở Công thương có trách nhiệm truyền thông vận động các doanh nghiệp Việt Nam trên địa bàn tỉnh nhận thức rõ vai trò, trách nhiệm nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của hàng Việt Nam; thực hiện cam kết bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng; từng bước xây dựng, bảo vệ và phát triển thương hiệu cho hàng Việt Nam không chỉ tại thị trường trong nước mà còn vươn ra thị trường khu vực và thế giới.

Sở NN-PTNT có nhiệm vụ tuyên truyền phổ biến các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản chủ lực, đặc trưng, OCOP, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý trên địa bàn tỉnh cho người dân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh bằng các tờ rơi, ấn phẩm. Đăng tải 100% các sản phẩm nông nghiệp đã được các cơ quan chức năng có thẩm quyền tiếp nhận bản tự công bố sản phẩm của cơ sở trên website; phần mềm kết nối cung cầu nông lâm sản và thủy sản.

Trong những năm qua, Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” ngày càng được doanh nghiệp và người tiêu dùng quan tâm, hưởng ứng. Nhiều sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam đã tạo dựng được uy tín, có mặt rộng khắp trên các gian hàng bán lẻ truyền thống lẫn hiện đại và được người dân quan tâm, lựa chọn nhiều hơn. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh và sự phát triển của các doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Các thương hiệu Việt tuy có nhiều tiến bộ về chất lượng sản phẩm, mẫu mã, nhưng vẫn còn nhiều điểm cần khắc phục như: nguồn vốn còn hạn chế; thiếu kinh nghiệm về dự báo, tiếp cận thị trường; nhiều sản phẩm phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu nên khó khăn trong việc xây dựng giá thành, hạ giá bán sản phẩm; hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm còn yếu… Thêm vào đó, nhiều người vẫn chưa dễ thay đổi tâm lý “sính ngoại” trong ngày một ngày hai.

Vì vậy, để tiếp tục thực hiện có hiệu quả cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh, trong thời gian tới, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, mặt trận, đoàn thể, doanh nghiệp cần tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng, nâng cao nhận thức về ưu tiên sử dụng hàng Việt.  Đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, vận chuyển hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. Tiếp tục tổ chức các chương trình quảng cáo, tiếp thị, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt.

Đặc biệt, để thu hút người Việt ưu tiên dùng hàng Việt rất cần doanh nghiệp không ngừng vận động, phát triển, đổi mới công nghệ, đồng thời cần có thêm sự đồng hành, hỗ trợ của các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương.

PHÚC MINH

 

 

.
.
.