.

Bất an khi học sinh đi xe phân khối lớn

Cập nhật: 17:37, 02/10/2022 (GMT+7)

“Đề nghị các cơ sở giáo dục phổ thông tổ chức cho cha mẹ học sinh ký cam kết với nhà trường trong việc không giao xe máy cho học sinh khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe…”, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Ngô Thị Minh đã kêu gọi như trên tại Lễ phát động học sinh, sinh viên nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật về an toàn giao thông năm học 2022-2023 diễn ra ngày 24/9.

Dễ hiểu vì sao lãnh đạo ngành giáo dục lại đưa ra lời đề nghị khẩn thiết đó. Vấn nạn học sinh đi xe máy phân khối lớn tới trường, vi phạm trật tự an toàn giao thông đã được báo động từ lâu. Thế nhưng, tình trạng này vẫn tiếp diễn, để lại nhiều lụy nhức nhối về an toàn giao thông.

Tại nhiều cổng trường THPT trên địa bàn tỉnh, không khó để nhận thấy nhiều học sinh sử dụng xe máy phân khối lớn. Thật phản cảm và bất an trước hình ảnh những thiếu niên trong đồng phục học sinh chạy xe phân khối lớn, chở ba lạng lách, vượt đèn đỏ, đi ngược chiều, không đội nón bảo hiểm. Một số “ngựa chứng” còn nẹt pô, gầm rú, lạng lách, bốc đầu xe trước sự khiếp sợ của bạn bè.

Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến nay, lực lượng CSGT trong tỉnh đã phát hiện và xử phạt hàng trăm trường hợp học sinh điều khiển xe máy trên 50cm3 vi phạm giao thông, trong đó nhiều nhất là ở TP. Vũng Tàu, TX. Phú Mỹ và huyện Châu Đức. Lãnh đạo Phòng CSGT Công an tỉnh cho biết, không ít vụ TNGT xảy ra, trong đó người gây tai nạn và nạn nhân thuộc nhóm đối tượng này.

Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhằm chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy phân khối lớn đến trường, nhưng số học sinh vi phạm vẫn không giảm, thậm chí có chiều hướng tăng lên. Điều đó cho thấy, từ tuyên truyền đến tổ chức thực hiện đang còn một khoảng cách lớn. Nói cách khác, có một sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, giám sát học sinh đi xe máy đến trường.

Muốn xây dựng trường học văn minh, an toàn phải tăng cường công tác truyền thông, giúp các em nâng cao nhận thức, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, là sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường với lực lượng chức năng. Thế nhưng, quy định học sinh không được đi xe phân khối lớn đã bị một số phụ huynh bỏ qua. Chiều theo ý thích của con, những phụ huynh này đã mua xe gắn máy phân khối lớn cho con, mà không cần biết đến các quy định về độ tuổi và giấy phép lái xe. Họ cũng “quên” hướng dẫn và nhắc nhở con chấp hành tốt quy định về tham gia giao thông, cũng như các kỹ năng cơ bản để lái xe an toàn.

Mọi nỗ lực của nhà trường và lực lượng chức năng trong việc ngăn chặn học sinh đi xe máy phân khối lớn sẽ không hiệu quả khi thiếu sự đồng hành, phối hợp tích cực của phụ huynh. Đó chính là lý do trong nhiều giải pháp chấn chỉnh tình trạng học sinh đi xe máy đến trường, ngành Giáo dục lại “xoáy” sâu vào biện pháp tổ chức cho phụ huynh ký cam kết với nhà trường. Quả thật, nếu các bậc phụ huynh ký cam kết và nghiêm túc thực hiện lời cam kết không giao xe máy cho con em khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe thì vấn nạn học sinh chưa đủ tuổi chạy xe phân khối lớn đến trường sẽ được đẩy lùi.

Tất nhiên, giải pháp để hạn chế tình trạng học sinh đi xe máy khi chưa đủ tuổi còn tùy thuộc vào chế tài và sự phối hợp của nhà trường và lực lượng chức năng. Chẳng hạn nhà trường thường xuyên rà soát, kiểm tra tình hình học sinh sử dụng xe máy đi học để kịp thời phát hiện những em vi phạm, có hình thức kỷ luật phù hợp như phạt lao động, hạ hạnh kiểm, gửi thông báo cho phụ huynh để họ có trách nhiệm chấn chỉnh con em; lực lượng chức năng yêu cầu các hộ dân giữ xe xung quanh trường cam kết không giữ xe phân khối lớn cho học sinh; thường xuyên kiểm tra những địa điểm giữ xe, nếu vi phạm thì buộc ngừng hoạt động cũng là một biện pháp cần thiết.

Sau cùng, công tác truyền thông về an toàn giao thông tại các trường cần tiếp tục được tăng cường hơn nữa bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan, để các em có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra khi tham gia giao thông.

NGUYỄN HƯNG NHƠN

 
.
.
.