Minh bạch thông tin sản phẩm

Thứ Tư, 28/09/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

“Chị còn mua rau trong siêu thị nữa không?” - một người bạn hỏi tôi sau khi cho xem loạt bài viết về rau không rõ nguồn gốc gắn mác VietGAP đăng trên báo. Cô ấy đã mất niềm tin, tất nhiên không phải từ loạt bài viết này mà trước đó, khi còn là kỹ sư nông nghiệp phụ trách vấn đề an toàn thực phẩm, bạn tôi đã chứng kiến quá trình sản xuất rau của một số hộ nông dân và thốt lên “không dám ăn”. 

Thông thường, khi đi siêu thị, người tiêu dùng nhận diện rau sạch chỉ dựa trên bao bì, thương hiệu, nhãn mác hoặc tem truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đôi khi trong sự vội vã bởi quỹ thời gian hạn hẹp, việc vào siêu thị mua thực phẩm tươi sống thường bằng niềm tin nhiều hơn. Đó là quy trình kiểm soát ở siêu thị chặt chẽ hơn. Đã vào được siêu thị thì phải bảo đảm sạch, an toàn, đạt chuẩn VietGAP. Và người tiêu dùng sẵn sàng trả giá đắt hơn ở chợ để bữa cơm gia đình được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Nhưng một lần nữa, niềm tin bị đổ vỡ bởi thông tin mà chúng tôi đọc được trên báo mấy hôm nay.

Không thể đo đếm được thiệt hại của người tiêu dùng khi phải trả giá cao hơn nhưng lại mua phải thực phẩm “dởm”, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Không chỉ thiệt hại về vật chất, về lâu dài sức khỏe sẽ bị ảnh hưởng khi sử dụng thực phẩm thiếu an toàn. Tổ chức Y tế thế giới cho biết, mỗi ngày có hàng ngàn người trên thế giới tử vong vì những căn bệnh do thực phẩm sinh ra mà có thể phòng tránh được. Bệnh do thực phẩm bẩn, độc hại như ung thư cũng khiến người tiêu dùng quan tâm hơn trong việc lựa chọn thực phẩm sạch, an toàn nhiều hơn. 

Tuy nhiên trên thực tế lâu nay, người tiêu dùng rất khó phân biệt rau sạch đúng nghĩa. Theo các chuyên gia, để thực hiện nông nghiệp sạch theo quy định, trên thế giới hiện nay đều dựa vào tiêu chuẩn của GAP. Mỗi quốc gia có một bộ tiêu chuẩn, nguyên lý và quy định thực hiện GAP khác nhau, có thể là VietGAP (Việt Nam), AseanGAP hay GlobalGAP (châu Âu). Thế nhưng, ngay cả tiêu chuẩn VietGap đã khá quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam cũng bị làm “nhái”, sử dụng tràn lan khiến người tiêu dùng gặp khó khăn khi nhận diện được sản phẩm đạt chuẩn.

Rõ ràng, một nền nông nghiệp minh bạch, trách nhiệm phải được kiểm soát chặt chẽ từ khâu sản xuất, phân phối cho đến bàn ăn. Chứng nhận chỉ là một tờ giấy nhằm tạo lòng tin với người tiêu dùng, còn kiểm soát việc thực hiện như thế nào mới là quan trọng. Do đó, người tiêu dùng cần được cung cấp thông tin của thực phẩm sạch từ khâu chăm sóc, chế biến, phân phối đến tiêu thụ, và có sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan quản lý. 

Để tạo niềm tin cho người tiêu dùng, không có con đường nào khác là phải thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ các quy định, quy trình sản xuất; kiểm soát được hàng hóa lưu thông trên thị trường. Đồng thời phải minh bạch thông tin sản phẩm để người tiêu dùng dễ  dàng truy xuất nguồn gốc, xuất xứ của các mặt hàng. Minh bạch thông tin cho thực phẩm sạch không chỉ bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng mà còn bảo vệ lợi ích cho những DN, trang trại sạch làm ăn chân chính.

NGÔ GIA

;
.