Xuất khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế trong 8 tháng qua. Đặc biệt, nhờ có cú hích Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Liên minh châu Âu (EVFTA), với cam kết giảm thuế sâu nhiều mặt hàng, trong đó có những mặt hàng giảm về 0%, 8 tháng của năm 2022, xuất khẩu đạt 32 tỷ USD, tăng tới 24%. Đặc biệt, xuất siêu sang EU ước đạt tới 21,6 tỷ USD, tăng gần 47% so với cùng kỳ. Đây là kết quả “hơn cả mong đợi” sau 2 năm thực thi Hiệp định.
Tại Bà Rịa – Vũng Tàu, từ khi EVFTA có hiệu lực, kim ngạch xuất nhập khẩu của DN vào thị trường EU có sự gia tăng đáng kể, đạt mức từ 0,75 đến 3 lần so với trước đó.
Việt Nam đã tham gia nhiều Hiệp định thương mại tự do, tổng cộng 15 FTA, như với Liên minh châu Âu, Vương quốc Anh, Canada, Mexico, Nhật Bản và Hàn Quốc… Các FTA đã và đang mở rộng cánh cửa thị trường cho hàng hóa xuất khẩu để Việt Nam nói chung, cũng như Bà Rịa – Vũng Tàu nói riêng kết nối và tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị và mạng lưới sản xuất toàn cầu. Riêng những lợi thế từ Hiệp định EVFTA đang giúp Việt Nam đa dạng hóa từ sản phẩm cho đến thị trường. Trong 2 năm qua, đa số mặt hàng xuất khẩu sang châu Âu đều có mức tăng trưởng cao, đặc biệt với một số nhóm hàng như sắt thép, mức tăng trưởng lên đến 200%, hoặc nhóm cà phê tăng 75,2%, hạt tiêu tăng trưởng 55,8%. Cùng đó, các mặt hàng Việt Nam đã xuất khẩu mạnh từ trước khi có hiệp định như: dệt may, da giày, đồ gỗ, cũng đạt mức tăng trưởng từ khoảng 10-15%.
Rõ ràng, trong bối cảnh thế giới nhiều biến động, các thị trường xuất khẩu liên tục thay đổi bằng các điều kiện khắt khe hơn đối với hàng hóa, tăng sử dụng công cụ phòng vệ thương mại thì việc tận dụng triệt để các FTA chính là "chìa khóa" để gia tăng kim ngạch xuất khẩu. Thông tin từ Bộ Công thương cũng cho thấy, phải sau 3 năm thực thi, biên độ và mức ưu đãi mà DN được hưởng mới đủ lớn để tạo động lực xuất khẩu mạnh hơn. Do vậy, để tận dụng tối đa những lợi thế hiệp định mang lại, DN cần chủ động nắm bắt thị trường, thực hiện nhiều giải pháp đảm bảo chuỗi cung ứng bền vững. Cùng với việc đầu tư quy trình khép kín từ vùng nguyên liệu đến sản xuất, chế biến, không ngừng nâng cao chất lượng để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ các thị trường, DN cũng cần chú trọng xây dựng thương hiệu thông qua các kênh phân phối uy tín tại thị trường xuất khẩu. Về phía cơ quan quản lý nhà nước, cần phải cung cấp thông tin đầy đủ cho cộng đồng DN, từ đó khai thác tốt nhất những quy định đã có, giúp DN vượt qua thách thức, rào cản về kỹ thuật, xu hướng tiêu dùng mới đang phát sinh ở thị trường EU.
Nhận định của các chuyên gia cho thấy, thị trường EU đang có xu hướng dịch chuyển rất mạnh mẽ sang tiêu dùng hàng hóa xanh, sạch và đáp ứng tiêu chuẩn về lao động, về môi trường… Nếu DN đón đầu và tận dụng thành công xu hướng này, giá trị thu được trong quá trình xuất khẩu sang châu Âu sẽ còn lớn hơn rất nhiều.
NGÔ GIA