Trân trọng tiếng nói của nhân dân

Thứ Hai, 20/06/2022, 20:14 [GMT+7]
In bài này
.

Báo chí cách mạng Việt Nam, gần 100 năm truyền thống phát triển, dù ở bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, đều thể hiện bản chất giai cấp, phục vụ lợi ích dân tộc, là tiếng nói của người dân. Trân trọng báo chí chính là trân trọng tiếng nói của nhân dân. Đó là thông điệp mà Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, trong cuộc gặp mặt kỷ niệm 97 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam đã gửi đến đội ngũ những người làm báo.

Thủ tướng nói: “Các nhà báo, các cơ quan báo chí, với thông tin khách quan, trung thực, kịp thời, đúng hướng, tạo chia sẻ, tạo cảm hứng và động lực cho người dân, góp phần để dân biết, dân hiểu, dân tin, dân theo, dân làm. Người làm báo là một trong những lực lượng trên tuyến đầu của các mặt trận”.

Không phải ngẫu nhiên mà báo chí cách mạng Việt Nam từ trước đến nay luôn chiếm trọn tình cảm quý trọng, thương yêu của người dân. Không phải ngẫu nhiên mà trong cuộc họp kết thúc kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhận định: Báo chí đã kịp thời truyền tải tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội.

Nắm giữ một vai trò xã hội quan trọng. Đối với nước ta, báo chí là kênh truyền dẫn thông tin hai chiều hiệu quả giữa Nhà nước và nhân dân. Thông qua báo chí, những thông tin từ thực tiễn đến với nhà quản lý. Thông qua báo chí, chính sách điều hành của cơ quan quản lý đến với nhân dân.

Mang theo tiếng nói của nhân dân, của mọi giai cấp, giai tầng trong xã hội, báo chí đồng thời mang theo tiếng nói phản biện trước các vấn đề cuộc sống. Tiếng nói của báo chí, vì thế là tiếng nói của nhân dân và cũng là tiếng nói vì nhân dân. Trân trọng báo chí là trân trọng nhân dân, trân trọng bản chất tốt đẹp của nhà nước ta - một nhà nước của dân, do dân và vì dân.

Bối cảnh hiện tại đặt ra cho báo chí vô vàn những thách thức. Thách thức từ chính nội tại đòi hỏi sự đổi mới của các cơ quan báo chí và đội ngũ những người làm báo. Thách thức từ sự cạnh tranh thông tin khốc liệt với mạng xã hội. Thách thức từ nhu cầu và thị hiếu của bạn đọc thay đổi. Có người sẽ hoài nghi về sự tồn tại và sức mạnh của báo chí trong hiện tại và tương lai. Nhưng như một định lý đã được nêu trong các tài liệu giáo khoa, báo chí là một hiện tượng xã hội đặc thù, luôn tồn tại và giữ một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội. Khi nào xã hội còn cần đến thông tin và thông tin chính thống thì sự tồn tại của báo chí vẫn mặc nhiên như bản chất của nó.

Thừa nhận sức sống và giá trị của báo chí cũng là để những người làm báo nhận thức rõ hơn về trách nhiệm của mình. Hiện nay, thực tiễn của đời sống báo chí đặt ra cho đội ngũ những người làm báo những yêu cầu mới về sự năng động thích với thời cuộc, tham gia tích cực vào xu thế chuyển đổi số.

Đây là thời điểm báo chí phải chạy theo nhu cầu của bạn đọc. Hay nói cách khác, bạn đọc ở đâu, báo chí ở đó. Chỉ khi báo chí gần gũi với phương thức đọc mới của nhân dân, thì báo chí mới thực sự là tiếng nói của nhân dân. Báo chí mới xứng đáng luôn là một trong những “lực lượng trên tuyến đầu ở mọi mặt trận”.

Hoàng Nam

;
.