KỶ NIỆM 97 NĂM NGÀY BÁO CHÍ CÁCH MẠNG VIỆT NAM 21/6

Báo chí phản chiếu sinh động đời sống xã hội

Thứ Hai, 20/06/2022, 20:10 [GMT+7]
In bài này
.

Lớn mạnh, vững vàng trong dòng chảy thông tin, các cơ quan báo chí tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những đóng góp quan trọng vào sự phát triển của tỉnh, phản ánh kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, đời sống xã hội.

Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và Đài Phát thanh và Truyền  hình tỉnh phỏng vấn ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT. Ảnh: PHƯƠNG NAM
Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu và Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh phỏng vấn ông Trần Thượng Chí, Giám đốc Sở GT-VT. Ảnh: PHƯƠNG NAM

Nói lên tiếng lòng nhân dân

Trong tháng 6/2022, diễn biến từ 2 dự án quan trọng đối với Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận: Dự án kéo điện lưới ra Côn Đảo được đưa ra lấy ý kiến nhân dân và Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu được QH thông qua chủ trương đầu tư. Báo chí phải vào cuộc như thế nào trước những diễn biến này?

Nhà báo Hoàng Nam, Trưởng phòng Thư ký xuất bản, Báo Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết: “Hoặc lúc này, hoặc không bao giờ! Trong lúc này, phải nói lên được tính chất quan trọng, phải đề cập đến những đòi hỏi cấp thiết và tiền đề vững chắc của dự án. Phải phản ánh chân thực nguyện vọng của nhân dân. Cũng cần quan tâm đến sự phản đối và đồng tình. Phản đối dựa vào căn cứ khoa học nào? - Tòa soạn bắt đầu tiến hành loạt bài lấy ý kiến liên quan đến 2 dự án vào thời điểm nhạy cảm bằng chỉ lệnh như vậy từ Ban Biên tập”.

Không có gì bất ngờ khi cuộc khảo sát lấy ý kiến của Báo Bà Rịa-Vũng Tàu được người dân đặc biệt quan tâm. Nhiều nhân sĩ, trí thức, các cán bộ lão thành, lãnh đạo đầu ngành và các tầng lớp nhân dân khi được liên hệ đều mong muốn được bày tỏ quan điểm, chính kiến của mình. Ai cũng muốn nói lên tiếng lòng, nỗi niềm chờ mong về những dự án lớn đã được bàn thảo hàng chục năm qua. Ai cũng canh cánh về một ngày những dự án đó trở thành hiện thực, tạo điều kiện cho quê hương phát triển.

Trung tướng Châu Văn Mẫn - là người nặng tình với mảnh đất Côn Đảo - không cần mất một phút suy nghĩ, khi tòa soạn khảo sát ý kiến về Dự án kéo điện lưới quốc gia ra Côn Đảo: “Các em cứ đến đây, anh rất tâm huyết với dự án. Anh còn muốn nói thêm nhiều điều nữa về Côn Đảo và điện cho Côn Đảo”.

Và bài viết “Côn Đảo sẽ phát triển mạnh mẽ khi có điện lưới quốc gia” đăng trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (số ra ngày 6/6/2022) như đã nói hộ niềm mong đợi của hàng triệu người dân Bà Rịa - Vũng Tàu. “Dự án không chỉ giúp cho Côn Đảo phát triển mà còn góp phần quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của tỉnh. Nếu cần thiết có thể huy động vốn từ tỉnh, từ nhân dân. Tôi tin, người dân sẽ sẵn sàng đóng góp cho Côn Đảo”, Trung tướng Châu Văn Mẫn viết.

Trong suốt những ngày diễn ra Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội khóa XV (từ 23/5 đến 16/6), loạt bài về Dự án Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu đăng trên Báo Bà Rịa - Vũng Tàu (đề cập đến nhu cầu cấp thiết, nỗi bí bách trong liên kết vùng từ hạ tầng giao thông, sự sẵn sàng của các địa phương nơi định tuyến cao tốc đi qua, ghi nhận nỗi mong chờ của người dân…) cũng được nhân dân trong tỉnh đặc biệt quan tâm.

Trong những ngày Dự án được thảo luận tổ, cho ý kiến tại Hội trường Quốc hội, Báo Bà Rịa - Vũng Tàu chủ động tiếp cận, thông tin sát diễn biến Nghị trường. Các ý kiến của đại biểu quốc hội, nhất là ý kiến của Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH Nguyễn Thị Yến được Báo Bà Rịa - Vũng Tàu trích đăng, mở ra cái nhìn toàn diện và toàn cảnh về dự án. Với riêng cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, việc dự án được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư bằng ngân sách, không chỉ tạo một bước ngoặt mới trong tiến trình hiện đại hóa hạ tầng giao thông, mở ra không gian kết nối giữa Bà Rịa - Vũng Tàu với các tỉnh Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án cũng đồng thời thể hiện cao độ sự đồng tình, đồng thuận và chờ mong từ phía người dân.

Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tác nghiệp tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG
Phóng viên Báo Bà Rịa-Vũng Tàu tác nghiệp tại Bệnh viện Vũng Tàu. Ảnh: HỒNG PHƯƠNG

Kịp thời định hướng dư luận

Công nghệ phát triển đã tạo điều kiện cho công chúng tiếp cận với thông tin một cách nhanh chóng, thuận lợi, đa hình thức. Nhưng trong nhiều luồng thông tin: tốt có - xấu có; đúng đắn có - sai lệch có thì công chúng dễ rơi vào “ma trận”…

Do đó, vấn đề định hướng việc tiếp nhận thông tin của công chúng, định hướng dư luận xã hội là vô cùng cấp thiết.  Phát huy vai trò, các cơ quan báo chí đã vào cuộc và mang đến cho công chúng thông tin chính xác, đúng bản chất nhất.

Theo Nhà báo Nguyễn Quỳnh Lê, Trưởng Phòng Thời sự, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, ngay khi nắm được thông tin về một vấn đề gây bức xúc dư luận như: ô nhiễm môi trường, phân lô, bán nền trái phép…, phòng xin ý kiến Ban Giám đốc và triển khai ngay cho các biên tập viên, quay phim. Quan điểm của đài là không chờ chính quyền đưa ra giải pháp xử lý hay thông báo kết luận về vụ việc, đài thông tin ngay về tiến độ giải quyết, các chủ trương, chính sách, quy định của pháp luật. Nếu không kịp thời, kẻ xấu có thể “đi trước” trong việc đăng thông tin không chính thức trên mạng, gây hoang mang, lo lắng.

Đơn cử như vụ việc phân lô, bán nền trái phép đất nông nghiệp trên địa bàn huyện Đất Đỏ, trong khi chờ chính quyền huyện đưa ra giải pháp xử lý, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh đã chuyển tải các quy định pháp luật về phân lô, bán nền, tách thửa, tỉnh đã có những văn bản quy định, xử lý những vụ việc phân lô, bán nền để tạo bước đệm, định hướng dư luận. Sau đó, khi chính quyền huyện có giải pháp xử lý, đài thông tin ngay để người dân biết.

Trong quá trình đi cơ sở, các nhà báo, biên tập viên, phóng viên luôn nắm bắt, tìm hiểu những vấn đề người dân địa phương quan tâm. Phóng viên Nguyễn Thị Hải Yến, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh cho biết: “Qua khảo sát tại một số địa phương, tôi thấy hầu hết các mỏ sau khai thác khoáng sản đều tạo thành những ao nước sâu, rất nguy hiểm. Thực tế đã có nhiều trường hợp đuối nước thương tâm tại các điểm mỏ này. Thậm chí có những mỏ còn trở thành điểm check-in, câu cá giải trí tự phát... thu hút rất đông khách du lịch”. Qua khảo sát thực tế, Phóng viên Hải Yến thấy rằng, hầu hết các mỏ chỉ được rào sơ sài, có nơi bố trí bảo vệ, có nơi không. Chính quyền các địa phương cũng không thể quản lý được, chỉ có thể cắm biển cấm vào. Từ đó xây dựng đề cương, kịch bản triển khai phóng sự 2 kỳ “Bất cập trong công tác quản lý các mỏ khoáng sản”.

Sau khi phóng sự phát sóng vào ngày 9 và 23/4, chính quyền địa phương đã vào cuộc đề nghị các doanh nghiệp tăng cường bảo vệ các điểm mỏ, đồng thời có phương án khắc phục hiện trạng các mỏ đã dừng khai thác. “Bản thân những người thực hiện phóng sự cảm thấy rất vui khi việc phản ánh của mình nhận được sự đồng tình của người dân và ghi nhận của chính quyền địa phương”, Phóng viên Hải Yến chia sẻ.

NGỌC NGUYỄN

 
;
.