Đường lớn đã mở…

Thứ Năm, 16/06/2022, 18:46 [GMT+7]
In bài này
.

Sáng 16/6, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về chủ trương đầu tư Dự án xây dựng đường bộ cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu giai đoạn 1. Dự án có tổng chiều dài toàn tuyến khoảng 53,7 km, tổng mức đầu tư 17.837 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, dự kiến sẽ được đưa vào hoạt động từ năm 2026.

Cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu là dự án giao thông rất quan trọng, được cả chính quyền các địa phương, người dân, doanh nghiệp mong chờ, bởi nó được tính toán là sẽ mang lại hiệu quả rất lớn cho nền kinh tế đất nước.

Những năm qua, với sự phát triển của các KCN trong vùng Đông Nam Bộ và hệ thống cảng biển của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Quốc lộ 51 trở nên chật chội, quá tải, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông cục bộ ở nhiều đoạn, nhất là các giao lộ. Mỗi điểm ùn tắc kéo dài vài km, khiến cho thời gian đi lại giữa TP. Hồ Chí Minh và TP. Vũng Tàu tăng lên 2,5-3 giờ, thậm chí là lâu hơn.

Bên cạnh đó, Quốc lộ 51 cũng đang xuống cấp, nhiều đoạn bị bong tróc mặt đường, gồ ghề khó đi. Trong khi đó, nhu cầu vận chuyển hàng hóa và hành khách, đặc biệt là khách du lịch đến Bà Rịa-Vũng Tàu ngày càng tăng cao. Vào thời gian cao điểm, xe khách, xe con, xe container, xe máy chen chúc nhau và nối dài trên các làn đường, khiến giao thông trên Quốc lộ 51 rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Vì vậy, khi đưa vào hoạt động, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu sẽ tạo động lực liên kết vùng, rút ngắn thời gian đi lại giữa Bà Rịa-Vũng Tàu và các tỉnh, thành trong khu vực Đông và Tây Nam Bộ, thuận tiện cho việc vận chuyển hàng hóa và hành khách lưu thông giữa các tỉnh, thành trong khu vực, qua đó giảm chi phí cho nhân dân và doanh nghiệp, giải quyết, cải thiện tình trạng ùn ứ, giảm thiểu tai nạn giao thông.

Để phát huy tối đa hiệu quả khai thác tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Đồng Nai đã và đang tập trung đầu tư các tuyến đường giao thông kết nối vùng với tuyến cao tốc như: cầu Phước An, đường Liên cảng Cái Mép-Thị Vải, đường Phước Hòa-Cái Mép, các tuyến đường ven biển, tuyến giao cắt Quốc lộ 56 với cao tốc.

Phát biểu thảo luận tại Quốc hội về tầm quan trọng của việc đầu tư dự án này, đại biểu Nguyễn Thị Yến, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định, đường cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu trở thành tuyến đường huyết mạch trong kết nối giao thông đa phương thức, kết nối các trung tâm kinh tế, khu công nghiệp, hệ thống cảng biển. Theo đó, tuyến đường sẽ kết nối và khai thác đồng bộ với đường cao tốc Bắc - Nam phía Đông (vì có 12,6 km đi trùng tuyến này); kết nối với cảng hàng không quốc tế Long Thành, dự kiến đi vào hoạt động giai đoạn 1 năm 2025; kết nối và phát huy tối đa tiềm năng của Cụm cảng Cái Mép - Thị Vải - cảng biển nước sâu đặc biệt của cả nước, là một trong 20 cảng biển lớn nhất thế giới, có độ nước sâu âm 14,5m, đón được tàu siêu trọng trên 200 ngàn tấn. Hơn nữa, dự án còn tạo động lực liên kết, thúc đẩy phát triển vùng Đông Nam Bộ nói riêng và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung; tăng thu thuế xuất, nhập khẩu, đóng góp cho ngân sách Trung ương; tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, tạo nguồn lực và không gian phát triển mới, khơi dậy các tiềm năng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.

Để triển khai dự án, HĐND tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có Nghị quyết bố trí 50% vốn ngân sách địa phương (năm 2022) chi phí giải phóng mặt bằng khoảng 3.270 tỷ đồng (tỉnh Đồng Nai đã cam kết chi 2.600 tỷ; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu chi 670 tỷ đồng cho công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư). Đồng thời, các địa phương cũng đã dự kiến quỹ đất để bố trí tái định cư.

Lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khẳng định quyết tâm chỉ đạo, điều hành đảm bảo thực hiện tốt công tác đền bù giải phóng mặt bằng, đảm bảo tiến độ dự án, hài hòa quyền và lợi ích chính đáng của người dân trong khu vực bị tác động. Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng sẽ chịu trách nhiệm bố trí đủ số vốn tăng thêm tương ứng, trong trường hợp tăng tổng mức đầu tư, bao gồm cả chi phí xây dựng.

Như vậy, sau hơn 10 năm lập dự án, tuyến cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu đã chính thức được Quốc hội đồng ý chủ trương đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn ngân sách. Hy vọng rằng, với tầm quan trọng của dự án, sự chuẩn bị chu đáo của hai địa phương, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng sẽ gặp thuận lợi, nhận được sự đồng thuận cao của người dân để dự án sớm triển khai, đưa vào hoạt động đúng tiến độ, tạo điều kiện cho việc phát triển kinh tế-xã hội các tỉnh, thành trong khu vực.

NGUYỄN ĐỨC

 
;
.