Vừa được thông báo từ tổ trưởng tổ dân cư về việc tiêm vắc xin mũi tăng cường, ông Trịnh Đình Duyên (83 tuổi, TP.Vũng Tàu) đã phấn khởi nhờ con trai đưa đến điểm tiêm từ sáng sớm. Ông Duyên nói, ông vừa trải qua một đợt ốm nên không tiêm kịp ở đợt trước, vì vậy khi được thông báo là ông vội đăng ký ngay.
Với những người lớn tuổi như ông, việc tiêm vắc xin mũi tăng cường không chỉ nhằm bảo vệ sức khỏe của bản thân mà còn là trách nhiệm phòng ngừa cho gia đình, cộng đồng. Bởi, nguy cơ nhiễm COVID-19 và có thể trở nặng ở những người cao tuổi, nhiều bệnh lý nền như ông là rất dễ xảy ra.
“Tôi đang vận động bà nhà tôi đi tiêm vắc xin mũi 4 để tăng cường hiệu quả bảo vệ trước COVID-19, nhưng bà ấy còn do dự...”, ông Duyên nói. Ông cũng giải thích thêm lý do vợ ông còn đắn đo một phần vì dư luận thời gian gần đây cho rằng không nhất thiết phải tiêm vắc xin mũi tăng cường khi dịch đã giảm nhiệt.
Thực tế, băn khoăn của vợ ông Duyên không phải là hiếm gặp, nhiều ý kiến vẫn cho rằng, việc tiêm vắc xin mũi tăng cường là không cần thiết trong tình hình hiện nay, khi dịch COVID-19 đã gần như được đẩy lùi với số ca mắc giảm mạnh, tỷ lệ tử vong không cao.
Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ Y tế, với dịch COVID-19, rất khó có thể lường trước các nguy cơ, khi mà nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến số ca mắc tăng cao với các biến chủng mới. Và không nên xem nhẹ việc tiêm vắc xin mũi tăng cường để bảo vệ trước nguy cơ của COVID-19, nhất là đối với những trường hợp nguy cơ cao, người có bệnh lý nền, suy giảm miễn dịch...
Tại cuộc họp báo cung cấp thông tin do Bộ Y tế tổ chức chiều 27/6, ông Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho biết Việt Nam đã ghi nhận sự xâm nhập của biến thể phụ BA.5. Đây là biến thể phụ của dòng Omicron.
Đại diện Bộ Y tế cho biết, biến thể BA.5 lần đầu được phát hiện tại Nam Phi vào tháng 1/2022. Qua các giai đoạn dịch bệnh, có thể thấy dịch trở nên nặng hơn với các biến thể lây lan nhanh kèm tăng nguy cơ nhập viện (như biến thể Delta), khi các chiến lược áp dụng trong các đợt dịch trước phát huy hiệu quả không cao như mong đợi.
Cục trưởng Cục Y tế dự phòng cung cấp thông tin: WHO cho biết hiện nay số ca mắc, tử vong tiếp tục tăng ở khu vực châu Mỹ và Tây Thái Bình Dương, châu Phi, các biến thể mới, biến thể phụ mới tiếp tục xuất hiện trên thế giới. Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận hiệu quả bảo vệ của mũi tiêm cơ bản vắc xin phòng COVID-19 giảm dần theo thời gian trong vòng 6 tháng sau khi tiêm.
“Đối với biến chủng Omicron, hiệu quả bảo vệ giảm rất nhanh do nồng độ kháng thể cần thiết để trung hòa vi rút ở mức cao hơn so với các biến chủng virus SARS-CoV-2 trước đây. Do vậy những người đã tiêm mũi cơ bản nếu không tiêm mũi nhắc vẫn có nguy cơ mắc bệnh. Để phòng, chống COVID-19, vắc xin vẫn là lá chắn bảo vệ cộng đồng trong thời gian tới”, ông Lân nhấn mạnh.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cả nước đang tiếp tục triển khai tiêm vắc xin các mũi tăng cường cho các đối tượng trong diện tiêm chủng. Với mục đích đẩy mạnh độ bao phủ của vắc xin để đẩy lùi các nguy cơ từ COVID-19, các tỉnh, thành đang vận động các lực lượng, người dân tiêm phòng đầy đủ.
Cùng với cả nước, BR-VT cũng đang triển khai tiêm vắc xin mũi tăng cường trên diện rộng cho các đối tượng được chỉ định. Việc hưởng ứng đợt tiêm chủng này không chỉ nhằm bảo vệ cá nhân mà còn là trách nhiệm với cộng đồng, khi COVID-19 đang tiếp tục có những tiềm ẩn khó lường với những biến thể mới từ biến chủng Omicron.
MINH CHÂU