Khi sống trong tiếng gia đình

Thứ Hai, 27/06/2022, 18:51 [GMT+7]
In bài này
.

Phần lớn chúng ta vừa trải qua những thời khắc như vậy. Mọi thứ của cuộc sống từng bị thu hẹp lại. Chuyện hàng xóm, phố xá, thôn xóm, chuyện cơ quan, nhà máy, xí nghiệp… như co lại với tất cả.

Đại dịch COVID-19 3 năm qua, có thể gây vô vàn đau thương ở khắp nơi địa cầu. Dù vậy, từ cơn biến động ngoài ý muốn, nhiều người lại tìm thấy nơi neo đậu bền vững của tâm hồn: Gia đình.

Đó là lúc những bữa cơm trở nên đông đủ hơn các thành viên trong gia đình dù có thể thiếu thốn và tạm bợ. Là khi những cuộc gọi cho người thân chiếm sóng toàn cầu. Là khi những ông bố bà mẹ tỉnh dậy sau buổi sáng, có thể nói chuyện với con mình, cùng làm một bữa sáng, bữa trưa thay vì người đi học, kẻ đi làm, đầu tắt mặt tối cả ngày. Là khi con cháu được tâm sự, trò chuyện nhiều hơn với ông bà.

Lại còn những người tha hương nhiều năm, trong phút im lặng rờn rợn của cuộc khủng hoảng dịch bệnh, trong những rào chắn ngăn cách giữa nơi này với nơi khác, lại cháy bỏng khát khao được trở về với gia đình, được ở bên cha, mẹ, ông bà. Bươn chải để giàu sang, phú quý, vinh hoa và cả những mơ ước lớn lao lúc đó, có thể gác lại. Không có gì thay thế được khát khao được ở bên gia đình, được “về nhà” trong phút giây khủng hoảng nhất.

3 năm của COVID-19, như cuốn phim kinh điển của Hollywood, như một “Thế giới đại chiến”, như “2012”… Những thước phim gây sốt toàn cầu khi tôn vinh vẻ đẹp, giá trị tình cảm gia đình trong thảm họa toàn cầu. Cái chết có thể đến với bất cứ ai, bất cứ lúc nào. Nhưng khi trái tim còn đập, khi đầu óc còn có thể nghĩ suy là khi người ta có thể hy sinh bản thân mình để bảo vệ con cái, cha mẹ, vợ chồng, bảo vệ sự bình yên của một gia đình. Đó là khi, một ông bố như Ray Ferrier (Tom Cruise thủ vai - Thế giới đại chiến) bình thường ít quan tâm đến con cái. Lúc trong thảm họa lại đặt con lên trên tất cả, sẵn sàng hy sinh bản thân để bảo vệ bình yên cho con…

Dĩ nhiên, chúng ta vẫn luôn mong muốn một điều kiện sống bình thường như hôm nay. Chúng ta muốn được tận hưởng xã hội vận hành theo vốn dĩ nó tồn tại. Muốn được đi đây, đó với gia đình. Hàng ngày, chúng ta được đi làm, được gặp bạn bè, đồng nghiệp. Thỉnh thoảng, chúng ta mới gọi cho ông bà nội - ngoại ở quê. Thỉnh thoảng mới lên thăm đứa con đang học ở Sài Gòn. Hoặc cuối tháng mới đón con về từ một trường đại học nào đó… Chúng ta vẫn muốn một cuộc sống như vậy. Vì đó là cuộc sống bình thường.

Đại dịch, theo một khía cạnh nào đó đã cho chúng ta thấy những biểu hiện dễ nhận biết hơn về giá trị ẩn chìm mà chúng ta chưa bao giờ có điều kiện để thể hiện trong cuộc sống bình thường.

Bây giờ đây, chúng ta đã trở lại một cuộc sống bình thường. Liệu rằng, những giá trị mới mẻ đã được trải nghiệm trong những ngày tháng có lẽ là duy nhất của cuộc đời, có đủ để chúng ta suy nghĩ, nhìn nhận lại. Có để những giá trị gia đình luôn thể hiện trong cuộc sống của chúng ta, mà không cần phải đợi những biến cố lớn lao.

Hay chúng ta lại cứ để cuộc sống cuốn đi?

HOÀNG NAM

;
.