Loại bỏ "bẫy" bảo hiểm tiền vay

Thứ Sáu, 24/06/2022, 19:11 [GMT+7]
In bài này
.

Cách đây 3 tháng, gia đình ông Thủy ở đường Lê Lợi, TP.Vũng Tàu thế chấp căn nhà cấp 4 để vay 800 triệu đồng tại một ngân hàng thương mại cổ phần. Sau khi làm thủ tục xong, ông Thủy được nhân viên ngân hàng thông báo phải mua bảo hiểm khoản vay trị giá 3 triệu đồng. Mặc dù không muốn mua, nhưng vì sợ bị làm khó hoặc chậm giải ngân nên ông đành ngậm ngùi đồng ý cho qua. Ông Thủy bức xúc, mặc dù đã thế chấp tài sản để vay tiền ngân hàng, nhưng vẫn bị ngân hàng “ép” mua bảo hiểm khoản vay, trong khi gia đình tôi không có nhu cầu.

Trên thực tế, bảo hiểm khoản vay là số tiền mà khách hàng chi trả để mua bảo hiểm cho gói sản phẩm vay của mình tại tổ chức tín dụng (TCTD). Đối với hình thức vay tín chấp (không có tài sản thế chấp) mang tính chất rủi ro cao, các TCTD cần một cơ sở để bảo đảm an toàn khoản tiền cho vay này. Khi mua bảo hiểm, trong trường hợp khách hàng không may gặp phải những rủi ro không lường trước được công ty bảo hiểm sẽ trả nợ thay khách hàng.

Tuy nhiên, việc mua bảo hiểm khoản vay là hoàn toàn tự nguyện. Ngân hàng Nhà nước không quy định việc khách hàng phải mua bảo hiểm liên quan đến khoản vay khi khách hàng vay vốn tại TCTD. Thế nhưng, theo phản ánh của nhiều khách hàng, khi làm thủ tục vay tại các TCTD, giường như họ bị “ép” mua gói bảo hiểm khoản vay đó. Một số khách hàng từng vay tiền cho rằng, ngân hàng kinh doanh, lợi nhuận ngân hàng hưởng. Nếu sợ rủi ro thì ngân hàng nên mua bảo hiểm, tại sao bắt khách hàng mua bảo hiểm thay. Trong khi đó, khách hàng đã thế chấp tài sản để vay, nếu không trả được, ngân hàng sẽ phát mãi tài sản thế chấp để thu hồi vốn.

Thử làm cuộc khảo sát nho nhỏ cho thấy, ngoài những người vay tiền để làm ăn- kinh doanh, thì phần lớn khách hàng là người gặp khó khăn mới phải cầm cố tài sản, nhà cửa để vay tiền. Do vậy, nếu buộc phải mua bảo hiểm, không những gây phiền toái cho khách hàng mà còn đem lại khó khăn khi họ phải bỏ tiền túi để “cõng” bảo hiểm rủi ro cho ngân hàng.

Để ngăn chặn triệt để tình trạng này, mới đây tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng 6 tháng đầu năm 2022, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, việc tham gia bảo hiểm của khách hàng là tự nguyện. Nếu nhân viên ngân hàng, TCTD ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm là vi phạm quy định của pháp luật, sẽ bị xử phạt.

Ngân hàng Nhà nước cũng chỉ đạo cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, cũng như thanh tra giám sát các ngân hàng, chi nhánh tỉnh, thành phố nếu phát hiện các TCTD, cá nhân yêu cầu, ép buộc khách hàng phải mua bảo hiểm rồi mới giải ngân thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Trước đó, các cơ quan chức năng cũng nhiều lần lên tiếng chấn chỉnh hoạt động này. Tại Chỉ thị số 01 về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, Ngân hàng nhà nước yêu cầu các TCTD có hoạt động đại lý bảo hiểm phải chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về kinh doanh bảo hiểm; Tăng cường kiểm tra, kiểm soát nội bộ đối với hoạt động đại lý bảo hiểm trên toàn hệ thống và xử lý nghiêm những trường hợp yêu cầu khách hàng phải mua các loại bảo hiểm khi cấp tín dụng cho khách hàng.

Rõ ràng, bên cạnh những giải pháp mạnh tay của Ngân hàng Nhà nước, về phía các TCTD, khi giải thích cho khách hàng về khoản vay bảo hiểm cần tư vấn cụ thể, rõ ràng, minh bạch cho khách hàng. Đồng thời, cần phải tách riêng bộ phận tư vấn, kinh doanh bảo hiểm ra khỏi hoạt động cung cấp tín dụng để khỏi làm phiền khách hàng khi vay vốn. Vì mua bảo hiểm và vay vốn ngân hàng là hai nhu cầu hoàn toàn khác nhau. Về phía khách hàng cần chủ động hỏi rõ nhân viên tư vấn những vấn đề mình chưa hiểu rõ để tránh những hiểu lầm không đáng có sau khi vay.

HOÀNG MINH

;
.