Nghĩ về trụ cột kinh tế mới

Thứ Năm, 23/06/2022, 18:45 [GMT+7]
In bài này
.

Tại hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh trong phát biểu kết luận hội nghị đã nhấn mạnh đến tinh thần chung được thống nhất cao của BR-VT trong theo đuổi liên kết vùng với tư duy mới: Thứ nhất, nhìn nhận thị trường 18 triệu dân (Đông Nam Bộ) với thu nhập, sức mua cao nhất nước và quy mô kinh tế, quy mô sản xuất công nghiệp, dịch vụ thương mại là tài nguyên, cơ hội để chia sẻ. Thứ hai, lĩnh vực dịch vụ, tài chính, thương mại cần trở thành một trụ cột kinh tế mới.

Trong cơ cấu kinh tế, thương mại - dịch vụ là một trong 3 nhóm ngành căn bản để đánh giá (công nghiệp - xây dựng; thương mại - dịch vụ; nông lâm, ngư nghiệp). Từ trước đến nay, với nền kinh tế Bà Rịa - Vũng Tàu, 2 lĩnh vực thuộc nhóm ngành thương mại - dịch vụ là cảng biển và du lịch luôn được coi là trụ cột. 

Nhờ vào việc xác định trụ cột, những năm qua, riêng lĩnh vực cảng biển đã được quan tâm đầu tư, có những bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải từng bước trở thành cửa ngõ giao thương quan trọng của vùng Đông Nam Bộ và cả nước. Trong quy hoạch và phân cấp cảng biển được Chính phủ phê duyệt và công bố, hệ thống cảng Bà Rịa – Vũng Tàu là 1 trong 2 cảng đặc biệt. Về thực tế năng lực hoạt động, hệ thống cảng Cái Mép - Thị Vải được thế giới thừa nhận là 1 trong 11 cảng container hoạt động sôi động và hiệu quả nhất toàn cầu. 

Trong số hơn 200 quốc gia lớn nhỏ, có mấy quốc gia có điều kiện phát triển cảng biển. Trong số những quốc gia có điều kiện phát triển cảng biển, có mấy quốc gia được xếp vào nhóm hàng đầu. Kinh tế cảng biển của Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự là ưu thế số 1 ở khu vực Đông Nam Bộ, là hòn ngọc lấp lánh đang chờ được “thợ kim hoàn” nâng tầm. 

Tuy nhiên, khi nhìn nhận cảng biển là thế mạnh ưu việt của Bà Rịa - Vũng Tàu; khi coi cảng biển là thực thể trung tâm của nền kinh tế thì xoay quanh nó cần có một hệ sinh thái phù hợp với mức độ liên kết cao.

Điều này đã có những tiền đề cơ bản: thị trường 18 triệu dân ở Đông Nam Bộ với sức mua, thu nhập cao và nền sản xuất công nghiệp phát triển nhất cả nước. Vấn đề còn lại là hành động liên kết để biến Đông Nam Bộ thành “tài nguyên, cơ hội” phát triển của Bà Rịa - Vũng Tàu nói chung và kinh tế cảng biển nói riêng. Thứ hai, là có những tầm nhìn mới trong liên kết vùng đối với các lĩnh vực: dịch vụ, tài chính, thương mại… mà theo Bí thư Tỉnh ủy Phạm Viết Thanh là cần coi như “trụ cột kinh tế mới”.

Chưa cần nhìn sâu rộng vào tất cả các lĩnh vực kinh tế khác trong kết cấu liên kết của vùng Đông Nam Bộ, chỉ cần đứng riêng ở góc độ kinh tế cảng biển cũng có thể thấy rõ dịch vụ, tài chính và thương mại hiện nay chưa đủ sức để hỗ trợ tối đa cho kinh tế cảng biển cất cánh.  

Nhớ lại, gần 2 năm trước, khi làm việc với Bà Rịa - Vũng Tàu, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khi đang giữ cương vị là Thủ tướng Chính phủ đã đề cập đến sự thiếu thốn từ hệ sinh thái kinh tế cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu: đó là sự thiếu thốn về dịch vụ logictics, các trung tâm kho bãi lưu trữ hàng hóa, hệ thống thông quan, trung tâm kiểm dịch hàng hóa hiện đại, dịch vụ cho thuê container; các đơn vị tài chính, ngân hàng, xuất - nhập khẩu, bảo hiểm tàu biển; đại lý các hãng tàu; các đơn vị vận tải…  Khi những dịch vụ này chưa phát triển, khi chưa có những công ty lớn đặt “đại bản doanh” ở Bà Rịa – Vũng Tàu hoặc khu vực lân cận thì khó có thể tạo điều kiện cho kinh tế cảng biển cất cánh. “Phải nghĩ đến một lúc nào đó, Phú Mỹ hay Vũng Tàu sẽ trở thành những đô thị dịch vụ với sự tấp nập của các đại lý tàu biển, bảo hiểm, tài chính…”, ông Nguyễn Xuân Phúc gợi mở.

Nhìn nhận vai trò mới cho các lĩnh vực: dịch vụ - tài chính - thương mại đối với nền kinh tế BR-VT vào lúc này là vô cùng quan trọng trong bối cảnh xây dựng định hướng mới cho chiến lược liên kết vùng Đông Nam Bộ và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đó là một vấn đề rộng lớn với sự tác động tương hỗ của nhiều lĩnh vực khác. Nhưng mọi sự đều khởi đầu từ ý tưởng kiến tạo. Có những gợi mở ban đầu để có những định hướng rõ ràng hơn trong tương lai. Xác định trụ cột là cách để huy động tối đa nguồn lực làm cho trụ cột đó “ra tấm, ra miếng”, tránh việc phân bổ nguồn lực mất cân đối vào những lĩnh vực mà Bà Rịa - Vũng Tàu không thật sự có thế mạnh. 

HOÀNG NAM

;
.