Đầu tháng 6/2022, UBND TP.Vũng Tàu, Tập đoàn SCG, Công ty TNHH Hóa dầu Long Sơn, DN xã hội mGreen, Công ty Gia Linh đã mở rộng triển khai dự án phân loại rác thải ở nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn trên địa bàn dân cư tại thôn 1, xã Long Sơn, TP.Vũng Tàu, khuyến khích người dân tham gia phân loại rác thành 3 loại: chất thải hữu cơ, chất thải tái chế và chất thải khác.
Mục tiêu dự án đến tháng 4/2023, 100% cư dân tại thôn 1, xã Long Sơn sẽ thực hiện phân loại rác thải tại nguồn. Đồng thời, phấn đấu khối lượng rác thải tái chế tại thôn 1, xã Long Sơn được thu hồi đạt 40-50%; tỷ lệ chủ nguồn thải sử dụng ứng dụng phân loại rác mGreen đạt trên 20%; xây dựng thí điểm 1 mô hình xử lý rác thải cụm dân cư kết hợp khu trưng bày sản phẩm tái chế của dự án.
Trước đó, vào tháng 2/2020, SCG đã cùng Unilever Việt Nam, Dow Chemicals và Bộ TN-MT triển khai thí điểm “Dự án phân loại rác thải tại nguồn hướng tới nền kinh tế tuần hoàn” tại Trường TH Long Sơn 1 và Long Sơn 2. Dự án bước đầu đã hình thành thói quen phân loại rác trước khi bỏ vào 3 thùng riêng biệt với 3 màu sắc khác nhau.
Rác được HS thu gom tại lớp, cuối ngày chuyển ra khu tập kết rác của trường và bỏ riêng 3 thùng. Sau phân loại, rác tái chế sẽ được 1 phụ huynh sinh sống gần trường phụ trách, kết hợp Công ty Gia Linh thu gom. Rác hữu cơ được giao cho hộ gia đình làm thức ăn chăn nuôi hoặc thí điểm mô hình sản xuất phân compost. Rác khác được Công ty Gia Linh thu gom về các trạm trung chuyển rác và giao cho đơn vị xử lý rác thải.
Dù mới triển khai ở phạm vi hẹp, nhưng đây được xem là bước đệm quan trọng để giải quyết vấn đề rác thải và tạo ra một cộng đồng kinh tế tuần hoàn - một khái niệm tương đối mới, nhưng đang được thúc đẩy phát triển mạnh mẽ tại BR-VT trong thời gian qua. Kinh tế tuần hoàn cũng được lãnh đạo tỉnh xác định sẽ là bước đột phá cho phát triển kinh tế BR-VT trong giai đoạn tới. Một số huyện, thành phố bằng những hành động thiết thực và cụ thể với sự tham gia tích cực của cộng đồng như TP.Vũng Tàu, huyện Côn Đảo... cũng đang từng bước hiện thực hóa xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn.
Mới đây, ngày 7/6, đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua tại Quyết định số 687/QĐ-TTg. Mục tiêu của đề án là góp phần giảm cường độ phát thải khí nhà kính ít nhất 15% vào năm 2030, hướng tới giảm phát thải ròng về 0% vào năm 2050. Đồng thời, tăng cường nhận thức, sự quan tâm đầu tư của các DN, nhà đầu tư trong và ngoài nước đối với mô hình kinh tế tuần hoàn, thúc đẩy xanh hóa các ngành kinh tế.
Cụ thể, đến năm 2025, các dự án kinh tế tuần hoàn bước đầu đi vào thực hiện và phát huy hiệu quả. Tái sử dụng, tái chế, xử lý 85% lượng chất thải nhựa phát sinh; giảm thiểu 50% rác thải nhựa trên biển và đại dương so với giai đoạn trước; giảm dần mức sản xuất và sử dụng túi ni-lông khó phân hủy và sản phẩm nhựa dùng một lần trong sinh hoạt…
Tuy nhiên, Quyết định số 687/QĐ-TTg mới chỉ là một trong những nỗ lực đầu tiên nhằm xác định lộ trình, yêu cầu và định hướng phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam. Để kinh tế tuần hoàn góp phần thúc đẩy tăng trưởng xanh, điều quan trọng hàng đầu là cần xây dựng lộ trình triển khai cụ thể, ban hành các quy chế, tiêu chuẩn và đầu tư đúng mức cho kinh tế tuần hoàn.
Ngoài ra, cần tạo sự đồng bộ của từng mắt xích, trong đó có từng người dân, DN tham gia thì kinh tế tuần hoàn mới đạt được hiệu ứng lan tỏa nhanh, bền vững.
NGÔ GIA